Vì một tương lai không rác thải Liên minh tái chế bao bì cam kết thu gom, tái chế 13.000 tấn bao bì trong năm 2023 |
Thực thi trách nhiệm xã hội
Ngay từ đầu năm 2023, Liên minh tái chế bao bì PRO Việt Nam đã cùng đưa ra cam kết thu gom và tái chế hơn 13.000 tấn bao bì trong năm 2023. Đồng thời, PRO Việt Nam cũng thông báo về việc xây dựng nền tảng cơ bản cho các mô hình thu gom và tái chế bao bì có khả năng nhân rộng, phù hợp với việc thực thi Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR- Extended Producer Responsibility) vào năm 2024.
Theo TS. Lại Văn Mạnh – Trưởng Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường - Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, những năm trở lại đây, nhu cầu về bao bì đặc biệt là bao bì nhựa gia tăng một cách nhanh chóng. Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, mà bao bì còn được xuất khẩu. Từ tháng 10/2023, hàng loạt sản phẩm xuất khẩu vào châu Âu sẽ chịu chính sách điều chỉnh biên giới carbon của châu Âu. Do vậy, giảm phát thải khí nhà kính vừa là xu hướng, vừa là yêu cầu mà các doanh nghiệp phải thực hiện nếu Việt Nam muốn tham gia thị trường toàn cầu. Kinh tế tuần hoàn trong đó có lĩnh vực bao bì sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế, tiết kiệm tài nguyên, thực thi trách nhiệm xã hội, môi trường của doanh nghiệp.
Thúc đẩy thu gom vỏ hộp sữa |
Quy trình sản xuất, bao gồm đầu vào và năng lượng cần thiết cho chế biến, vận chuyển các sản phẩm là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến phát thải. Cùng với đó, bao bì cũng chiếm một tỷ lệ tương tự trong lượng khí thải, khoảng 5,4%, nhiều hơn so với vận chuyển hoặc các yếu tố chuỗi cung ứng khác. Do đó, Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA), nhận định xu hướng chuyển đổi sang bao bì xanh đặt ra yêu cầu cho doanh nghiệp phải thay đổi sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, từ đó nắm bắt cơ hội không chỉ ở thị trường xuất khẩu, mà ngay ở thị trường nội địa.
Hợp tác thu gom, tái chế
Tại Việt Nam, Tetra Pak được biết đến là doanh nghiệp tiên phong trong cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm. Năm 2022 Tetra Pak cùng với Công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến đã công bố khoản đầu tư trị giá 3,5 triệu EUR để nâng cấp và mở rộng năng lực tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tại Việt Nam.
Ông Eliseo Barcas, Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam, cho biết, việc hỗ trợ xây dựng năng lực tái chế vỏ hộp giấy tại địa phương nằm trong chiến lược hình thành nền kinh tế tuần hoàn, ít phát thải carbon của Tetra Pak trên toàn cầu. Nó cũng thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc đồng hành cùng các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống thực hiện trách nhiệm thu gom bao bì sau khi sử dụng. Việc mở rộng này sẽ hỗ trợ tốt hơn cho ngành sản xuất đồ uống và thực phẩm trong việc thực hiện mục tiêu về bền vững.
Không dừng ở đó, Tetra Pak tiếp tục ký kết thoả thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Công nghệ Giấy Biopa (Biopa) và Công ty Cổ phần Giấy Vạn Điểm (Vạn Điểm) để thực hiện thu gom và tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tại miền Bắc.
Theo thỏa thuận, Vạn Điểm sẽ là đơn vị tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng, còn Biopa là đơn vị tổ chức và quản lý thu mua vỏ hộp giấy tại khu vực phía Bắc. Dự kiến, trong năm 2023, Biopa và Vạn Điểm sẽ thực hiện thu gom và tái chế khoảng 800 tấn vỏ hộp giấy và tăng dần lên mốc 3.000 tấn/năm từ năm 2025.
Xưởng sản xuất PET tại Nhà máy Nhựa Duy Tân (Long An) |
Ở một phân khúc khác, ông Lê Anh - Giám đốc phát triển bền vững- Công ty nhựa tái chế Duy Tân, cho biết, với nhà máy công suất 30.000 tấn/năm, công ty đã thu gom chai nhựa trong nước và đưa vào tái chế, sản xuất thành hạt nhựa. Có những sản phẩm được tái chế 20 lần, góp phần tạo nhiều vòng đời mới cho rác thải nhựa.
“Tái chế nhựa là quá trình dài mất đến 2 - 3 năm. Đặc biệt là giai đoạn thử nghiệm sản phẩm, có khi phải mất đến hai năm để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, giá trị sử dụng so với nhựa thường”- ông Lê Anh nói.
Bao bì đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong thị trường hiện nay. Đối với dòng bao bì PP, với những tính chất như không đàn hồi, chịu lực cơ học tốt, dễ dàng in ấn, là một công cụ truyền thông hiệu quả, ngoài ra, chúng còn có tác dụng bảo vệ môi trường, dễ dàng tái chế chính là những ưu điểm lớn để giúp túi PP được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống.
Ông Cao Văn Sơn- Phó Viện trưởng Viện Giấy và Xenlulo (Bộ Công Thương) cho biết, bao bì tái chế sẽ giúp giảm thiểu lượng rác thải và ô nhiễm môi trường. Góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường và tạo thêm giá trị gia tăng cho nguồn tài nguyên rác thải. Ở nhiều quốc gia, rác thải được coi như một loại vàng đen mà các quốc gia phải nhập khẩu để tạo nguồn nhiên liệu sưởi ấm vào mùa đông. Chính vì thế, những quốc gia đang có lượng rác thải lớn cần tận dụng những nguồn nguyên liệu này để tạo thêm nhiều giá trị, với giá thành cạnh tranh và hiệu quả.
Các doanh nghiệp ngày càng ý thức hơn trong việc thực thi trách nhiệm môi trường và xã hội |
“Vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng có thể tái chế thành nhiều vật dụng hữu ích như sổ tay, tầm lợp sinh thái… Hợp tác với Tetra Pak và Biopa sẽ cho phép chúng tôi đảm bảo nguồn cung vỏ hộp giấy được duy trì ổn định và có hiệu quả” - ông Lê Mạnh Anh - Phó Tổng giám đốc Công ty Vạn Điểm nhấn mạnh.
Không chỉ hợp tác với nhà thu gom và tái chế, Tetra Pak còn phối hợp với các nhà bán lẻ, các đối tác để không ngừng mở rộng mạng lưới thu gom vỏ hộp giấy trong cộng đồng. Công ty đang hợp tác với các nhà bán lẻ AEON Mall và Mega Market để đặt các trạm thu gom vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tại các trung tâm thương mại ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố với mục đích giúp người tiêu dùng tiếp cận việc thu gom và tái chế thuận tiện hơn.
Năm 2023, có 6 doanh nghiệp cùng Tetra Pak tham gia chương trình thu gom, với chủ đề “Tái chế rác thải- Kiến tạo tương lai 2023”, hoạt động thu gom hướng đến nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phân loại, tái chế rác thải và chia sẻ các quy trình tái chế rác thải đến cộng đồng. |