Phiên tòa chuyến bay giải cứu: Sự “ca ngợi” lệch lạc, đáng phê phán Vụ án chuyến bay giải cứu: Nỗi đau mất cán bộ và lời Bác Hồ năm xưa về “đạn bọc đường” |
Trong vụ án này, bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bị cáo buộc nhận 2 tỷ đồng trong quá trình duyệt cách ly người về từ các chuyến bay giải cứu và bị Viện kiểm sát đề nghị án 3 – 4 năm tù. Quá trình tòa nghị án để đánh giá toàn diện khách quan vụ án và đưa ra mức hình phạt phù hợp thì bất ngờ có thông tin 71 cán bộ, giáo viên viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho ông.
Cụ thể, 71 người là cán bộ, giáo viên Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) đã có tâm thư kiến nghị gửi tới Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Dũng.
Theo nội dung thư, các thầy cô giáo trường THPT Lê Lợi cho rằng: “Thầy giáo Chử Xuân Dũng luôn là một nhà giáo tâm huyết, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông Dũng còn là một người thầy giáo có tâm đức trong sáng; có phẩm chất, bản lĩnh chính trị vững vàng; có nhiều thành tích, đóng góp to lớn cho ngành giáo dục Thủ đô”. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, thầy đã vô tình vi phạm pháp luật khi giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trong vụ án “chuyến bay giải cứu"...
Riêng với trường Lê Lợi, ông Dũng khi là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã “dồn nhiều tâm huyết” giúp nhà trường xây dựng thành công mô hình THPT công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (được công nhận tháng 10/2020).
Tập thể giáo viên, cán bộ Trường THPT Lê Lợi cho rằng: Căn cứ vào bản chất và những đóng góp to lớn của ông Chử Xuân Dũng trong quá trình công tác, tập thể giáo viên, cán bộ Trường THPT Lê Lợi kiến nghị hội đồng xét xử mở lượng khoan hồng, giảm nhẹ mức án cho ông Dũng, để ông Dũng sớm trở lại hòa nhập cộng đồng, sửa chữa sai lầm vi phạm, phấn đấu trở thành công dân tốt.
Bị cáo Chử Xuân Dũng trong phiên tòa xét xử vụ án chuyến bay giải cứu - Ảnh CAND |
Nhìn vào lý lịch công tác, ông Chử Xuân Dũng từng là giáo viên Trường THPT Sóc Sơn, Trường THPT Chu Văn An rồi làm lãnh đạo nhà trường THPT Trần Hưng Đạo, Phạm Hồng Thái, Chu Văn An. Sau đó, ông Dũng giữ cương vị Phó Giám đốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo rồi thăng tiến giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Theo “tâm thư” của Trường THPT Lê Lợi, thì ông Dũng không có thời gian công tác, giảng dạy trực tiếp tại ngôi trường này mà chỉ có những đóng góp trên cương vị Giám đốc Sở giúp nhà trường hoàn thiện đạt các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2.
Tại sao những ngôi trường ông Dũng từng công tác hay tập thể Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không viết tâm thư xin giảm nhẹ hình phạt mà lại là Trường THPT Lê Lợi vốn là ngôi trường không có nhiều gắn bó với ông Dũng? Có thể những ngôi trường ông Dũng từng giảng dạy hay nơi ông công tác đã có đơn nhưng chưa được công bố hoặc chưa có vì sợ dư luận cho rằng không khách quan khi xin giảm nhẹ. Nhưng chỉ nhìn vào lý do ông Dũng đã có dồn nhiều tâm huyết giúp Trường THPT Lê Lợi đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2 rồi xin giảm nhẹ hình phạt khiến dư luận cho rằng, phải chăng các thầy cô đang có phần “cảm tính”?
Bởi, việc ông Dũng trên vai trò Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thủ đô có những chỉ đạo, quyết sách để ngôi trường THPT Lê Lợi và tất cả các ngôi trường trên địa bàn Hà Nội ngày càng phát triển, đạt các tiêu chí là việc phải làm, cần làm với trách nhiệm, vị trí người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Hơn nữa nếu chỉ nhìn vào việc giúp riêng Trường THPT Lê Lợi đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2 khiến dư luận cho rằng ông Dũng không chỉ đã ghi nhận những nỗ lực cố gắng của nhà trường mà vô hình chung lại đặt ra câu hỏi phải chăng đang có sự “ưu ái”… tạo điều kiện cho riêng ngôi trường này. Trong khi, nhiều ngôi trường khác trên địa bàn Hà Nội cũng đang cố gắng, nỗ lực mà chưa được ghi nhận?
Không những thế, từ những đóng góp cho ngành giáo dục Thủ đô, trong đó có việc dành tâm huyết cho Trường THPT Lê Lợi đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2, ông Dũng đã được ghi nhận, đánh giá và giao trọng trách giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Chức vụ này là sự ghi nhận những đóng góp, công lao của ông Dũng. Thậm chí, trong quá trình công tác ông Dũng đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen và đây có thể được Tòa án xem xét là tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình. Do vậy, khó tiếp tục một lần nữa lấy công lao, đóng góp ra để "đánh đổi", xin giảm nhẹ trong quá trình lượng hình của Tòa án.
Không chỉ có vậy, trên cương vị là Phó Chủ tịch UBND thành phố ông Dũng phải có trách nhiệm làm thật tốt cương vị của mình. Đằng này ông Dũng lại bị cáo buộc nhận 2 tỷ đồng trong lúc đại dịch hoành hành, hàng ngàn người không thể trở về Tổ quốc với hi vọng được sống, được về nhà? Liệu ông có còn xứng đáng với chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trái tim của cả nước nữa hay không? Nếu chỉ thương cảm cho hành vi phạm tội của ông Dũng thì liệu có “công bằng” cho hàng ngàn người đã không thể trở về và có thể không còn được sống để về nhà, cho những những gia đình mất đi người thân... vì những chuyến bay không thể giải cứu?
Ngày 28/7 tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra những bản án công tâm, khách quan căn cứ vào tài liệu, chứng cứ để tuyên bản án “tâm phục khẩu phục”, nghiêm minh dành cho các bị cáo. Tuy nhiên, trong phần kiến nghị của tập thể giáo viên Trường THPT Lê Lợi có đoạn cho rằng “căn cứ vào bản chất” để xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Dũng, thậm chí còn cho rằng ông chỉ "vô tình phạm tội".
Một số ý kiến cho rằng, những cán bộ và giáo viên này cũng không có đầy đủ thông tin, tình tiết về vụ án và hành vi bị cáo buộc phạm tội của các bị cáo như ông Chử Xuân Dũng. Trong khi, Tòa án xét xử độc lập là một trong những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Được quy định tại Điều 103 (Hiến pháp năm 2013). Theo đó, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Căn cứ vào đầy đủ các tài liệu chứng cứ, điều tra, truy tố để lượng hình. Tòa án xét xử luôn dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Có nghĩa là, tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử để đảm bảo cho việc xét xử không bị lệ thuộc hoặc chịu sự tác động không khách quan từ bên ngoài. Vậy việc viết tâm thư xin giảm nhẹ hình phạt cho những bị cáo đang bị tòa án xét xử cần phải hợp lý hợp tình, đừng quá cảm tính.
Các bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu - Ảnh TTXVN |
Tôi cũng tin rằng, nhiều thầy cô giáo cũng chưa thể đọc hết kết luận điều tra, cáo trạng cũng như tiếp cận đầy đủ các bút lục lời khai của bị cáo Chử Xuân Dũng. Họ viết tâm thư chỉ là dựa trên cảm xúc có được từ những bản tin có trên báo và kinh nghiệm hay thiện ý cá nhân. Họ hoàn toàn đứng xa vậy cơ sở nào để cho rằng “căn cứ vào bản chất” của ông Dũng khi phạm tội?
Ngoài ra, hiện ông Dũng đang bị Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội đề nghị mức phạt từ 3-4 năm tù. Trong khi Bộ luật Hình sự quy định, nhận hối lộ từ 1 tỉ đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ông Chử Xuân Dũng được xác định nhận hối lộ 2 tỉ đồng, bị đề nghị mức án trên, đã là sự cân nhắc, giảm nhẹ hình phạt ở mức rất “sâu” của Viện kiểm sát.
Do vậy, không nên đánh giá sai bản chất vụ án, làm thay việc và cũng đừng “can thiệp” vào hoạt động tư pháp của các cơ quan thực thi pháp luật bằng những bức “tâm thư” thể hiện cảm xúc cá nhân. Hành vi phạm tội của ông Dũng sẽ được Hội đồng xét xử đánh giá khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội, căn cứ theo quy định. Vì vậy hãy để Tòa án được làm việc một cách khách quan.