Sau sự cố sập cầu Phong Châu, mạng xã hội lan truyền thông tin về vỡ đê Yên Lập. Tại cuộc họp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều nay (9/9) về giải pháp khắc phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3, ông Nguyễn Hồng Khanh – Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi “bác” thông tin trên.
Phần đập đất của công trình thủy lợi Hà Thanh (xã Đông Hải) bị vỡ khoảng 50m; nước từ công trình đã ảnh hưởng dến khoảng 400 hộ dân (Ảnh: Ngọc Yến) |
Theo đại diện Cục Thủy lợi, thông tin vỡ đê Yên Đập là không chính xác. Đây không phải đê, không phải đập mà chỉ là bờ ao dạng ao chum, không nằm trong hệ thống điều chỉnh hệ thống hồ đập.
Về an toàn đập và hồ chứa nước, đại diện Cục Thủy lợi cho biết cơ bản các hồ phía Bắc đã đầy nước, Điện Biên 95%; Hòa Bình, Sơn La trên 85%… Các hồ chứa lớn trong khu vực như Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Hồ Cấm Sơn (Lạng Sơn) đã được xả nước để đảm bảo an toàn.
“Hiện, miền núi phía Bắc có 129 hồ đang bị hư hỏng, do đó, chúng tôi đang liên tục trông coi”, ông Nguyễn Hồng Khanh cho biết.
Ông Nguyễn Hồng Khanh – Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Ảnh: Nguyễn Hạnh) |
Quay trở lại đê Yên Lập, trước đó, Chi cục Thủy lợi Phú Thọ khẳng định, không có vỡ đê trên địa bàn huyện Yên Lập (Phú Thọ) vì huyện này không có đê do đó thông tin lan truyền trên mạng là không chính xác.
Huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ là một huyện miền núi, với địa hình chủ yếu là đồi núi thấp và thung lũng. Do vậy, khu vực này không có nhiều sông lớn hay hệ thống đê phòng lũ như các khu vực đồng bằng. Tuy nhiên, huyện vẫn có các biện pháp phòng chống lũ lụt và sạt lở ở các khu vực ven sông suối và đồi núi nhằm bảo vệ đời sống người dân, nhất là vào mùa mưa.
Cũng trong sáng nay, ngoài thông tin vỡ đê huyện Yên Lập (Phú Thọ) không đúng sự thật thì còn có thông tin vỡ đê trên địa bàn huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh cũng không chính xác.
Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai dẫn báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh - cho biết, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 trên địa bàn huyện Tiên Yên đã có mưa.
Tổng lượng mưa từ ngày 6/9 đến 9 giờ ngày 9/9 là 166,8mm. Do mưa, phần đập đất vai trai của công trình thủy lợi Hà Thanh (xã Đông Hải, huyện Tiên Yên) bị vỡ khoảng 50m. Nước từ công trình đã ảnh hưởng đến khoảng 400 hộ dân thuộc ba thôn: Hà Tràng Đông, Hà Tràng Tây, Nà Bắc. Mực nước ngập từ 1-1,5m.
UBND huyện Tiên Yên đã di dời các hộ dân bị ảnh hưởng về nơi an toàn từ sáng ngày 9/9 (không có thiệt hại về người). Công trình này không phải là hồ chứa chỉ là đập dâng trên sông, nên lượng nước trữ không nhiều và hiện nay nước đang rút dần, tuy nhiên hiện chưa tiếp cận được vị trí sự cố. Đoàn công tác của ngành nông nghiệp đã có mặt tại hiện trường và đang đợi nước rút để tiếp cận khu vực sự cố.
Trước đó, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, không có chuyện vỡ đê trên địa bàn huyện Yên Lập (Phú Thọ) vì huyện này không có đê. Còn ở Tiên Yên (Quảng Ninh), thông tin vỡ đê Đông Hải cũng không chính xác.