Chiều 9/9, trao đổi với Báo Công Thương, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ cho biết, đến thời điểm hiện tại lực lượng chức năng đã vớt được 3 người trong vụ sập cầu Phong Châu và đưa đi cấp cứu.
“Có người rơi xuống sông sau đó tự bơi nổi trên mặt nước đã được lực lượng chức năng cứu vớt đưa lên bờ và đưa đến bệnh viện cấp cứu”, ông Hùng cho biết.
Cầu Phong Châu sập vào sáng 9/9. Ảnh: CTV |
Ông Phan Trường Sơn, trú tại khu 10, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ - nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ sập cầu Phong Châu cho hay, khoảng 10h sáng 9/9, khi đang đi xe máy trên cầu Phong Châu, ông nghe thấy tiếng động mạnh rình rình phía đằng sau nhưng chỉ nghĩ xe tải chở gì sao mà nặng thế. Chưa kịp phản xạ gì, ông Sơn đã thấy mình ở dưới mặt nước…
“Khi rơi xuống nước, tôi thấy người như xuống tận đáy sông. Sau đó, tôi cố lấy hơi thật sâu và đẩy ngoi được lên mặt nước. Lúc ngoi lên mặt nước gần như tôi đã hết hơi, xác định không sống được. Tôi cố bơi được một đoạn thì may mắn vớ được một cây chuối đang trôi trên sông. Sau đó, tôi hô hoán cầu cứu thì được mọi người ra cứu. Chúng tôi như từ cõi chết trở về”, ông Phan Trường Sơn bàng hoàng kể lại.
Ông Phan Trường Sơn, nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ sập cầu Phong Châu bàng hoàng kể lại lúc sập cầu Phong Châu. |
Theo báo cáo sơ bộ của tỉnh Phú Thọ, tại thời điểm xảy ra vụ sập cầu Phong Châu, thuộc trên Quốc lộ 32 có 10 ô tô, 2 xe máy và 13 người bị cuốn trôi trong sáng nay.
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu, Phú Thọ bị sập, hiện chưa xác định được số người và phương tiện cụ thể, nhưng quan sát camera hành trình từ 2 chiều thì ít nhất có 2 xe tải hạng nặng, cùng 1 số xe máy rơi khi cầu sập. Lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Cụ thể, các phương tiện đi từ phía cầu Đồng Quang, cầu Trung Hà, các huyện Thanh Thuỷ, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn đi Lâm Thao, Việt Trì di chuyển theo tuyến Quốc lộ 32 (Tam Nông) đi đường Hồ Chí Minh qua cầu Ngọc Tháp hoặc qua Quốc lộ 2 đi Lâm Thao, Việt Trì.
Các phương tiện di chuyển từ Lâm Thao, Việt Trì đi Tam Nông, Thanh Thuỷ, Thanh Sơn, Tân Sơn, cầu Đông Quang, cầu Trung Hà đi theo chiều ngược lại.
Lực lượng chức năng căng dây tạm thời tại khu vực cầu Phong Châu. Ảnh: CTV |
Các phương tiện từ huyện Thanh Thuỷ, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn đi Lâm Thao, Việt Trì di chuyển theo tuyến đường Quốc lộ 32 (Tam Nông) đi cầu Trung Hà đi huyện Ba Vì, Hà Nội đi cầu Văn Lang đi Việt Trì, Lâm Thao.
Các phương tiện từ Lâm Thao, Việt Trì đi Tam Nông, Thanh Thuỷ, Thanh Sơn, Tân Sơn theo chiều ngược lại.
Các phương tiện từ các huyện Thanh Thuỷ, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn đi Hà Nội, Vĩnh Phúc di chuyển theo tuyến đường Quốc lộ 32 (Tam Nông) đi cầu Trung Hà hoặc Tỉnh lộ 317G đi Tỉnh lộ 317E đi cầu Đồng Quang đi huyện Ba Vì, Hà Nội cầu Vĩnh Thịnh đi Vĩnh Phúc.
Các phương tiện từ Hà Nội, Vĩnh Phúc đi các huyện Thanh Thuỷ, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Sơn theo chiều ngược lại.
Một người dân thoát chết trong vụ sập cầu Phong Châu. Ảnh: Bạn đọc cung cấp |
Cục Đường bộ Việt Nam cũng vừa có công điện khẩn yêu cầu Khu Quản lý đường bộ I khẩn trương bố trí người, phương tiện hỗ trợ Sở Giao thông vận tải Phú Thọ cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu.
Các phương tiện từ các huyện Thanh Thuỷ, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Sơn đi Vĩnh Phúc, Hà Nội và ngược lại có thể đi theo tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai hoặc tuyến Quốc lộ 2 theo lộ trình Quốc lộ 32 (Tam Nông) đi dường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 2 đi Vĩnh Phúc, Hà Nội hoặc Quốc lộ 32 (Tam Nông) đi đường Hồ Chí Minh đi Nút giao IC9 cao tốc Nội Bài – Lào Cao đi Vĩnh Phúc, Hà Nội.
Cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng trên quốc lộ 32C, nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông (Phú Thọ). Cầu được xây dựng với kết cấu dàn thép, có chiều dài gần 380m. Công trình được khánh thành vào ngày 28/7/1995. Năm 2013, cầu Phong Châu được sửa chữa. Đến tháng 9/2019, Phú Thọ ra lệnh cấm các phương tiện có trọng tải từ 18 tấn trở lên qua cầu này. |