Phát biểu tại cuộc gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp sáng 4/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, rất ấn tượng về những đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại cuộc gặp mặt - Ảnh: VGP/ Nhật Bắc |
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước luôn nhận thức được tầm quan trọng của môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp. Vì thế, suốt những năm qua, Ngân hàng Nhà nước luôn kiên định và vượt qua mọi khó khăn để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện và chú trọng cải cách hành chính, thuộc nhóm đứng đầu trong xếp hạng chỉ số Par Index, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, ngành ngân hàng luôn xác định doanh nghiệp là người bạn đồng hành bởi vì doanh nghiệp vừa là người gửi tiền, vừa là người đi vay trong hệ thống ngân hàng. Các giải pháp chính sách của hoạt động ngân hàng đều hướng đến doanh nghiệp và người dân là trung tâm theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
"Mỗi khi nền kinh tế khó khăn, người dân và doanh nghiệp gặp khó, hệ thống ngân hàng đều quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, đặc biệt như trong đại dịch Covid-19 hay trước nhiều biến động thời gian qua, như: Cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí đối với doanh nghiệp...
Trong tổ chức tín dụng, các ngân hàng cũng chính là doanh nghiệp nhưng họ cũng hết sức chia sẻ và nhân văn, dành nguồn lực tài chính, bố trí khoảng 60.000 tỷ đồng để giảm lãi và phí cho doanh nghiệp, dù thực tế các tổ chức tín dụng không được chính sách hỗ trợ tài chính nào", bà Hồng nêu dẫn chứng.
Cũng theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp có khát vọng cống hiến cho đất nước, các tổ chức tín dụng cũng vậy. Tuy nhiên, ngoài mục tiêu hoạt động thông thường như doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng là trung gian tài chính, huy động tiền để cho vay nên vẫn phải thực hiện các nguyên tắc, kỷ luật tài chính, bảo đảm an toàn cho mỗi tổ chức tài chính, theo đó cả hệ thống ngân hàng an toàn.
Đồng thời, với vai trò là cơ quan quản lý tiền tệ và các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước muốn giảm lãi suất thấp, cung ứng đầy đủ tín dụng. Nhưng sứ mệnh của Ngân hàng Nhà nước phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, suy cho cùng cũng vì môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.
"Ngân hàng Nhà nước mong doanh nghiệp chia sẻ từ góc độ của các tổ chức tín dụng và sứ mệnh của Ngân hàng Nhà nước, đại cuộc của nền kinh tế", bà Hồng nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp tham gia cuộc gặp mặt - Ảnh VGP/ Nhật Bắc |
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, cần có một đánh giá tổng thể về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam và các giải pháp đột phá để phát triển doanh nghiệp "sếu đầu đàn" và các doanh nghiệp vệ tinh.
Việt Nam có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dù đã có 1 luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, 5 Nghị định nhưng thực tế thực hiện chưa như kỳ vọng; do đó cần đánh giá sát thực tế để đưa ra giải pháp. Đặc biệt như ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết là cần có nguồn lực tài chính, ví dụ như bảo lãnh cho doanh nghiệp, góp phần giải quyết vấn đề về vốn.
Đối với vấn đề lãi suất 0%, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trước đây, có tình trạng đô la hóa cao, thời điểm năm 2007 - 2008, nền kinh tế có thặng dư ngoại tệ nhưng mỗi khu vực đều găm giữ ngoại tệ không bán. Ngân hàng Nhà nước phải bán ngoại tệ, làm cho thị trưởng tỷ giá và ngoại hối biến động mạnh, tác động đến tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài cũng như môi trường kinh doanh.
Chính vì thế, từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để triệt tiêu tâm lý găm giữ ngoại tệ, trong đó có giải pháp lãi suất USD 0%. Chính sách đó đã góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, là một điểm sáng để nước ta nâng chỉ số tín nhiệm.
Số lượng ngân hàng của Việt Nam khá nhiều, trên 90% dịch vụ của ngân hàng đã được cung cấp qua kênh số. Hiện nay không có cản trở gì đối với người dân và doanh nghiệp đối với các dịch vụ này.