Kênh phân phối bán lẻ thuần Việt “phủ sóng”
Trước đó, vào tháng 4/2019, Công ty Cổ phần (CP) Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce - đơn vị quản lý hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ - đã công bố việc sẽ nhận chuyển nhượng chuỗi 87 cửa hàng Shop&Go với giá 1 USD. Hồi cuối năm ngoái, VinCommerce cũng tuyên bố hoàn thành việc mua lại toàn bộ chuỗi Fivimart từ Công ty CP Nhất Nam. Sau khi toàn tất sáp nhập, hệ thống Fivimart được đổi tên thành VinMart. Việc liên tục triển khai các sự kiện mua bán, sáp nhập đã giúp hệ thống phân phối bán lẻ của VinMart phủ sóng đến khắp các khu dân cư, chiếm lĩnh thị trường và phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời, giúp thị phần các kênh phân phối Việt trên thị trường bán lẻ hiện đại ngày càng được khẳng định sau thời gian dài bị nhiều “đại gia” nước ngoài chi phối.
Hệ thống phân phối bán lẻ của VinMart phủ sóng đến khắp các dân cư |
Cùng với VinMart, cuối tháng 6/2019, Saigon Co.op cũng đã tuyên bố mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị của hệ thống Auchan (Pháp) khi hệ thống này rút khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam. Từ đó, nâng số lượng siêu thị của Saigon Co.op lên tới con số 125, trải dài từ Bắc đến Nam.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, với dân số trên 90 triệu dân, doanh thu bán lẻ hàng hóa luôn tăng trưởng trên 10%/năm, thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng khẳng định sức phát triển mạnh mẽ. Đáng chú ý, các doanh nghiệp (DN) trong nước đang ngày càng khẳng định sức vươn mạnh mẽ khi tham gia vào hàng loạt các sự kiện mua bán, sáp nhập để mở rộng thị phần. Cùng với sự am hiểu thị trường, các kênh phân phối bán lẻ thuần Việt đã phủ sóng rộng khắp từ đại siêu thị đến siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi với nguồn cung hàng hóa tương đối đa dạng, chất lượng tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia bán lẻ, các “ông lớn” như VinMart, Saigon Co.op đang đóng vai trò quan trọng trên thị trường bán lẻ nước ta hiện nay. Sự phát triển của VinMart, Saigon Co.op không chỉ có ý nghĩa trong việc mở rộng thị phần bán lẻ của kênh phân phối Việt mà còn giúp hình thành nên các tập đoàn, DN bán lẻ lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, là kênh tiêu thụ hàng hóa; đồng thời tạo ra quy chuẩn để nâng cao chất lượng của các sản phẩm Việt, đặc biệt là nông sản.
Cần cơ chế hỗ trợ
Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh cho DN bán lẻ nội địa, vẫn cần sự “chung tay” của cả các cơ quan chức năng và bản thân DN. Theo đó, chính sách hỗ trợ DN nội trước hết phải đi từ việc hỗ trợ cho sản xuất, lợi nhuận của người sản xuất và hệ thống phân phối.
“Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ các DN lớn như Vingroup, Saigon Co.op... trong việc ưu tiên địa điểm thuê các mặt bằng kinh doanh, ưu đãi thuế… Giai đoạn tới là giai đoạn của bán hàng đa kênh, cả trực tiếp và bán hàng online. Mô hình bán lẻ kiểu liên doanh và bách hóa tổng hợp đã có lúc không còn phù hợp, thay vào đó là mô hình shopping mail, vừa bán hàng vừa có các dịch vụ tổng hợp như vui chơi, ăn uống, làm đẹp… Sự thành công của Aeon với mô hình này thời gian qua chính là bài học mà các DN bán lẻ Việt cần nhìn nhận để có sự thay đổi phù hợp nhằm chiếm lĩnh thị phần” - ông Vũ Vinh Phú cho hay.
Ông Trần Duy Đông cho biết thêm, quy định ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế) vẫn đang được triển khai, được xem là một công cụ vô cùng hữu ích, là hàng rào kỹ thuật để hạn chế các đại gia bán lẻ nước ngoài nhằm hỗ trợ cho ngành bán lẻ trong nước… Tuy nhiên, những cam kết hội nhập được thực thi như CPTPP sẽ khiến các quy định như ENT phải xóa bỏ trong thời gian tới. Do đó, thời điểm này đang là thời cơ vàng cho các DN Việt Nam nâng cao năng lực nội địa, tận dụng cơ hội, giành lấy thị phần.
Giai đoạn 2019-2020 được đánh giá là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn giữa các DN Việt Nam và DN nước ngoài, giữa kênh bán hàng hiện đại và kênh bán hàng truyền thống, đòi hỏi DN bán lẻ phải nỗ lực hơn để giành thị phần.