Cơ quan quản lý cạnh tranh của Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị Báo cáo phân tích ngành hội chợ phân tích dữ liệu liên quan đến 5.276 hội chợ trong giai đoạn 2005-2017 để xác định các vấn đề cạnh tranh trong ngành và để phát triển các giải pháp. Tính đến năm 2017, 28 quốc gia có hơn 200.000 mét vuông diện tích hội chợ, báo cáo cho thấy. Trong khi Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức, Ý và Pháp có 60% con số này, Thổ Nhĩ Kỳ có 1,7% thị phần với 600.000 mét vuông diện tích hội chợ. Trung bình 2.000 hội chợ được tổ chức hàng năm ở châu Âu, dẫn đầu là Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Ba Lan và Đức.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Công nghiệp Hội chợ Toàn cầu (UFI), tính đến năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ tám với 3,8 phần trăm diện tích hội chợ và thứ hai về số lượng với 400 hội chợ hàng năm.
Mặc dù số lượng hội chợ hàng năm ở Đức, được coi là một quốc gia mẫu mực trong lĩnh vực này, chỉ gần bằng một nửa so với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng doanh thu tạo ra bởi các hội chợ ở đất nước này lại lớn hơn khoảng bảy lần. Chi phí thuê mặt bằng ở Thổ Nhĩ Kỳ dưới mức trung bình thế giới là một trong những lý do cho tình trạng này.
Những phát hiện này chỉ ra rằng một quốc gia muốn tăng khả năng cạnh tranh quốc tế trong ngành hội chợ và những người chơi hoạt động trong lĩnh vực đó không nên chỉ tập trung vào quy mô của khu vực hội chợ và số lượng hội chợ, họ nên phát triển chính sách để sử dụng hiệu quả hội chợ khu vực và tăng chất lượng của hội chợ.
Trong bài phát biểu tại "Giới thiệu và Đánh giá của Cơ quan cạnh tranh Điều tra ngành liên quan đến ngành hội chợ" tại Phòng Thương mại Istanbul (İTO), Ömer Torlak, người đứng đầu Cơ quan cạnh tranh Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết ngành hội chợ cung cấp trực tiếp cơ hội việc làm và thu nhập gián tiếp. Ông cũng cho biết hội chợ góp phần phát triển đô thị, xuất khẩu và quảng bá đất nước.
Vì Thổ Nhĩ Kỳ có tiềm năng quan trọng liên quan đến ngành hội chợ, Torlak nói: "Ước tính tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của thị trường hội chợ toàn cầu sẽ là 5%. Tỷ lệ đó cao hơn ước tính tăng trưởng trung bình hàng năm cho tổng thu nhập toàn cầu". Ông cũng lưu ý rằng nguồn quan trọng nhất của sự tăng trưởng ước tính trong lĩnh vực hội chợ là các nước đang phát triển. Ông chỉ ra rằng các nhà tổ chức hội chợ hoạt động trong lĩnh vực quốc tế đang hướng tới các thị trường đang phát triển thông qua việc thích ứng về địa lý và sát nhập mua lại.
"Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng tích cực từ sự thay đổi cấu trúc địa lý của ngành hội chợ do vị trí địa lý chiến lược của nước này. Sự tăng trưởng đầu tư nước ngoài trong ngành hội chợ, gia tăng số lượng hội chợ quốc tế và lượng khách nước ngoài tham dự đã phản ánh những tác động tích cực. Ngành công nghiệp hội chợ ở Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng trưởng trong những năm qua là kết quả của những phát triển này trong thập kỷ qua.
Torlak cho biết, theo các tính toán dựa trên các thông số như số lượng hội chợ thực tế, số lượng người tham gia và khu vực gian hàng thuê, thị phần của Thổ Nhĩ Kỳ trong ngành hội chợ toàn cầu là khoảng 1-1,5%. Tuy nhiên, xem xét thu nhập từ các hoạt động tổ chức hội chợ, thì thị phần của Thổ Nhĩ Kỳ không may ở mức rất thấp. Một trong những lý do cho điều này là phí thuê gian hàng thường rất thấp so với mức trung bình toàn cầu.
Trong bài phát biểu tại cuộc họp này, Chủ tịch của Phòng Thương mại Istanubl - ông Şekib Avdagiç cho biết trung tâm hội chợ lớn nhất ở Istanbul chỉ đứng thứ 38 và các diện tích để tổ chức hội chợ ở Istanbul là không đủ. Istanbul cần một khu vực trưng bày 250.000-400.000 mét vuông. Avdagiç nói thêm “Chúng ta ở vị trí thứ hai ở châu Âu về số lượng hội chợ. Tuy nhiên, chúng ta ở vị trí thứ tám về thu nhập từ hội chợ. Có một mâu thuẫn ở đây".
Theo Liên đoàn các Phòng Thương mại, Công nghiệp và Trung tâm giao dịch hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ (TOBB), nước này có 33 trung tâm hội chợ tại 20 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ với diện tích khép kín hơn 5.000 mét vuông. Khoảng 38 phần trăm của các trung tâm hội chợ này được đặt tại Istanbul. Khoảng 75 phần trăm các hội chợ quốc tế trong giai đoạn 2008-2017 đã được tổ chức tại Istanbul, tiếp theo là İzmir, Konya, Bursa và Antalya trong khu vực hội chợ và lần lượt là các hội chợ của Ankara, İzmir, Bursa và Antalya. Theo sự phân loại hội chợ theo chủ đề, các lĩnh vực nông nghiệp, trồng trọt nhà kính, chăn nuôi và công nghệ dẫn đầu trong giai đoạn 2008-2017 với 467 hội chợ, tiếp theo là hệ thống sưởi ấm, làm mát, thông gió, khí đốt tự nhiên với 363 hội chợ và giáo dục, thiết bị và công nghệ liên quan với 349 hội chợ.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa mặn mà trong việc tham dự các hội chợ tại Thổ Nhĩ Kỳ cho dù chi phí tham gia không cao như các nước khác và đây vẫn là một kênh xúc tiến thương mại khá hiệu quả tại đất nước này. Số lượng các donanh nghiệp thường xuyên tham gia hội chợ tại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, tuy nhiên bản thân các doanh nghiệp này đánh giá việc tham gia hội chợ khá hiệu quả và giúp tìm thêm được khách hàng mới. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nên tận dụng cơ hội chi phí gian hàng tại các hội chợ tại Thổ Nhĩ Kỳ còn thấp so với mức trung bình thế giới để tham gia và gia tăng xuất khẩu vào thị trường lớn, đứng thứ 17 thế giới về quy mô GDP thứ 2 châu Âu về dân số với mức GDP hàng năm gần đạt đến mốc 1.000 tỷ USD.