Để cạnh tranh với thịt ngoại, 100% thịt heo của Vissan đều đạt chuẩn VietGAP |
Thịt nhập khẩu tăng mạnh
Theo số liệu từ Ủy ban châu Âu trong những năm gần đây, tổng sản lượng và giá trị xuất khẩu (XK) thịt từ Liên minh châu Âu (EU) sang Việt Nam tăng liên tục. Năm 2013, giá trị XK là 7,369 triệu Euro, năm 2014, đạt 15,7 triệu, năm 2015, giá trị đã lên tới 23,3 triệu Euro và dự kiến năm 2016 vượt con số 25 triệu Euro.
Tổ chức các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành công nghiệp thịt (UPEMI) đánh giá, trong 3 năm (2013 – 2016), sản lượng thịt của châu Âu xuất vào Việt Nam tăng 7,5 lần. Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), kim ngạch XK thịt châu Âu vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Đại diện UPEMI cho biết, hiện đã có khoảng 100 DN EU được cấp phép XK thịt vào Việt Nam, riêng Ba Lan có tới 45 DN.
Bà Agnieszka Rozanska - Giám đốc điều hành UPEMI - nhận định: Theo cam kết tại EVFTA, thuế NK thịt từ EU vào Việt Nam sẽ được giảm trong vòng 3-7 năm và sau đó gỡ bỏ hoàn toàn.
Điều này giúp cho giá thịt heo, bò, gà EU vào Việt Nam sẽ rẻ hơn so với hiện tại. Hiện đã có khoảng 100 nhà XK thuộc các nước EU đã được cấp phép XK thịt vào Việt Nam.
Ông Maxim Basov - Tổng giám đốc Rusagro - một trong những tập đoàn nông nghiệp lớn nhất của Nga - cho biết, tập đoàn đã có giấy phép cung cấp thịt heo vào Việt Nam, việc giao hàng có thể bắt đầu trong năm tới.
Sức ép không nhỏ
Tại các siêu thị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh như: Metro, Emart, Lotte Mart, Big C, Giant… thịt bò NK được bán rất phổ biến. Một số siêu thị như Giant có lượng thịt nhập ngoại khá phong phú cả heo, bò và gà với nguồn gốc NK từ Nhật, Úc, châu Âu…
Khi thịt NK đổ về, sức ép sẽ dồn lên vai các nhà sản xuất thịt trong nước. Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - Chủ tịch Hội chăn nuôi Đông Nam bộ - một kg thịt gà nhập từ Mỹ, cộng thuế 25% và các chi phí vận chuyển về tới Việt Nam có giá chưa tới 20.000 đồng, thấp hơn giá thành thịt gà của nông dân Việt 6.000 đồng. Tương tự, một kg thịt heo nhập từ châu Âu như Ba Lan, Canada dao động từ 2- 2,2 USD/kg chưa tính thuế 15%. Như vậy, nếu DN chế biến thực phẩm sử dụng heo ngoại làm nguyên liệu, họ có thể tiết kiệm ít nhất 15- 20% giá thành so với thịt nội địa. nhiều nông dân phá sản bởi với giá thành sản xuất như hiện tại, họ không thể cạnh tranh được.
Dưới góc độ DN nội, ông Văn Đức Mười – Tổng giám đốc Công ty Vissan - thừa nhận, đúng là thời gian qua lượng thịt ngoại nhập (chủ yếu là gia cầm) vào Việt Nam tăng lên và giá rẻ khoảng 15% so với thịt nội. Đây sẽ là thách thức lớn không chỉ cho ngành chăn nuôi mà cả các DN chế biến sản xuất Việt. Nếu DN nào tận dụng việc nhập thịt giá rẻ để chế biến thành các sản phẩm khác thì chắc chắn sẽ có lời. Tuy nhiên thực tế, người tiêu dùng Việt Nam vẫn có thói quen mua thịt tươi sống từ các hệ thống siêu thị hoặc các chợ truyền thống. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh lớn mà thịt nội có thể tranh thủ trong việc giữ thị trường.
Ông Văn Đức Mười – Tổng giám đốc Công ty Vissan: Trong bối cảnh phải cạnh tranh như hiện nay, DN nội buộc phải đặt vấn đề quản lý chất lượng thực phẩm lên hàng đầu; đồng thời liên tục đổi mới công nghệ để đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất. |