Đây là buổi làm việc trực tiếp đầu tiên của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và lãnh đạo Bộ Công Thương với vụ chức năng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các ngành sản xuất sau một loạt các buổi làm việc với các đơn vị thuộc Bộ.
Trích báo cáo của Cục Công nghiệp, Cục trưởng Trương Thanh Hoài cho biết, hiện vướng mắc lớn nhất đối với ngành sản xuất tại Việt Nam là nguồn cung nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào.
Ngành điện tử chịu tác động mạnh từ Covid-19 |
Nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đang phụ thuộc rất lớn vào các nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong khi, các quốc gia này lại đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất của Covid-19 là: Điện - điện tử.
“Hiện nay, các DN điện tử chỉ còn đủ lượng linh, phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020” - Cục trưởng Trương Thanh Hoài cho biết.
Ngoài khó khăn về nguyên liệu sản xuất, dịch Covid-19 còn tác động mạnh đến nguồn lao động, gây ra những khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ cho DN.
Như vậy, tác động của dịch Covid-19 đến sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã trở nên rõ ràng. 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 6,2%, giảm 3 điểm phần trăm, nhóm công nghiệp chế tạo chỉ tăng 7,4%, giảm đến 4 điểm phần trăm. Đặc biệt, tổng mức bán lẻ chỉ tăng 8,3%, thấp nhất so với cùng kỳ tính từ năm 2014 trở lại đây.
Tại buổi làm việc Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu, Cục Công nghiệp và các vụ chức năng trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, chủ động xây dựng các kịch bản theo các mức độ tốt - xấu - rất xấu, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp với diễn biến tình hình.
Trước diễn biến của dịch Covid-19, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, cần có những giải pháp lớn từ phía Bộ Công Thương để tham mưu cho Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho các ngành sản xuất. Bên cạnh đó, phải làm tốt hơn nữa việc đánh giá các khó khăn của từng khu vực DN và phối hợp với các bộ, ngành, để đưa ra các giải pháp đúng và trúng nhằm hỗ trợ DN.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các giải pháp đưa ra phải mang tính tổng thể, có tính đến vị trí, vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng. Đặc biệt, cần coi khâu khơi thông thị trường là then chốt với việc tập trung đánh giá, tìm ra các dư địa, nhân tố mới để thúc đẩy sản xuất.
Trên cơ sở các buổi làm việc với hiệp hội ngành hàng, tới đây, Bộ Công Thương sẽ tổ chức hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trên tinh thần không trầm trọng hóa vấn đề nhưng phải chủ động. Đặc biệt, chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. |