Xuất khẩu sữa vượt xa mục tiêu
Kim ngạch xuất khẩu sữa đạt khoảng 300 triệu USD, chủ yếu đến từ sữa chua và các sản phẩm từ sữa, vượt xa mục tiêu 120-130 triệu USD/năm. Trong năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sữa bột và sữa nước sang các thị trường chính như: Philippines, Campuchia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Trung Quốc, Sudan. Tổng kim ngạch nhập khẩu từ 5 thị trường này đạt 47,9 triệu USD, chiếm khoảng 89,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sữa bột và sữa nước.
Đóng góp đến 55% lượng sữa bột xuất khẩu cả nước, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) là doanh nghiệp xuất khẩu sữa bột lớn nhất cả nước trong năm 2017 và giá trị xuất khẩu đạt 46,6 triệu USD. Từ "phát pháo" mở đường tại thị trường Iraq theo chương trình đổi dầu lấy lương thực của Liên hợp quốc vào năm 1998 với 300 tấn sữa bột và 2.000 tấn sữa béo nguyên kem. Đến nay, qua nhiều năm nỗ lực tìm kiếm thị trường, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hiện sản phẩm của Vinamilk đã được xuất khẩu đến 43 nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Canada, Ba Lan, Đức, khu vực Trung Đông, khu vực Đông Nam Á…
8 năm 7,4 tỷ USD
Từ năm 2010 đến hết năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 7,4 tỷ USD mặt hàng sữa và các sản phẩm sữa, trung bình mỗi năm nước ta bỏ ra 817 triệu USD để nhập khẩu sữa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Việt Nam nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa chủ yếu từ thị trường New Zealand, Singapore, Mỹ, Đức, Thái Lan… Năm 2017, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường New Zealand đạt 232,8 triệu USD, chiếm tới 26,9% và tăng 26% so với năm 2016. Kế đến là Singapore và Mỹ với kim ngạch nhập khẩu lần lượt là 122,4 triệu USD và 67,8 triệu USD.
Nâng cao năng lực cạnh tranh nếu không muốn thất bại ngay trên sân nhà
Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu khoảng 223,2 nghìn tấn sữa bột, gấp 1,73 lần sản lượng sữa bột sản xuất trong nước.
Thị trường sữa bột tại Việt Nam hiện đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt với sự góp mặt của hơn 300 thương hiệu. Trong những năm tới, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, thuế xuất nhập khẩu của các thị trường nhập khẩu sữa chính dần giảm về 0% thì sức ép của các hãng sữa ngoại lên các doanh nghiệp nội địa ngày càng lớn và nếu không có những hành động cụ thể, hiệu quả thì rất có thể các doanh nghiệp sữa nội địa sẽ mất luôn cả thị phần vốn đã ít ỏi của mình.
Phát triển, tiến bộ để cạnh tranh
So với các thương hiệu sữa nước ngoài, các doanh nghiệp ngành sữa của Việt Nam đang bị bất lợi một cách tương đối về hầu hết các khía cạnh, ngoại trừ yếu tố chi phí, thời gian bảo quản và khoảng cách địa lý. Thị phần sữa bột gần như nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại khi người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng ưa thích sử dụng các thương hiệu nước ngoài, đặc biệt là sản phẩm sữa bột. Khi CPTPP và các hiệp định thương mại khác được thực thi, lợi thế này sẽ bị sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, nếu có những chiến lược phát triển cụ thể và hiệu quả thì các doanh nghiệp trong nước vẫn có thể cải thiện lợi thế cạnh tranh của mình trong dài hạn. Các doanh nghiệp có thể cải thiện chất lượng nguồn cung sữa nguyên liệu, giảm thiểu chi phí sản xuất sữa, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, nâng cao tiềm lực tài chính, uy tín thương hiệu cũng như sự kết nối trong ngành.
Với thế mạnh là nhà cung cấp hàng đầu những phân tích và dự báo về các ngành kinh tế. Trung tâm thông tin Vibiz.vn phối hợp cùng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đưa ra báo cáo “Doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2017 ngành sữa”. Nội dung báo cáo đem lại cái nhìn toàn cảnh tình hình xuất nhập khẩu toàn ngành sữa năm 2017 về kim ngạch, mặt hàng, thị trường, doanh nghiệp xuất nhập khẩu,… Đồng thời báo cáo là sự phân tích, dự báo triển vọng và xu hướng phát triển ngành sữa trong tương lai. |
TIN LIÊN QUAN | |
Thị trường sữa sẽ ra sao sau khi thuế cắt giảm xuống 0% |