Các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần làm chủ công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm |
Việc thị trường phân đạm nội địa đang trong tình trạng cung vượt cầu, sức ép từ Urê NK giá rẻ được coi là một phần nguyên nhân thua lỗ của hai nhà máy đạm: Ninh Bình và Hà Bắc. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Thực tế cho thấy, đây là nỗi lo chung của các doanh nghiệp (DN) sản xuất phân đạm (Urê) trong nước hiện nay. Dự báo, sản xuất Urê năm 2016 đạt mức 2,15 triệu tấn, giảm 5,18% so với năm 2015 do tồn kho cao và theo đó, sản xuất Urê của Nhà máy Đạm Ninh Bình cũng giảm. Sau khi tạm dừng sản xuất (tháng 4/2016), Nhà máy Đạm Ninh Bình đã sản xuất trở lại từ ngày18/6 với công suất khoảng 60% và lại tiếp tục dừng máy từ khoảng giữa tháng 8 tới nay. Tương tự, Nhà máy Đạm Hà Bắc cũng sản xuất cầm chừng chỉ đạt khoảng 60-70% công suất.
NK Urê 9 tháng năm 2016 ước đạt 452 ngàn tấn, tăng 78% (253 ngàn tấn) so với 9 tháng năm 2015. Tuy nhiên do lượng tồn kho cao và đang ở thời điểm cuối vụ nên dự báo quý IV/2016, NK sẽ giảm.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) |
Tiêu thụ Urê cho cây trồng năm 2016 giảm khoảng 5% so với năm 2015 do diện tích gieo trồng vụ đông xuân, hè thu và vụ mùa đều giảm so với năm 2016.
Xuất khẩu (XK) Urê chính ngạch năm 2016 dự báo cũng giảm tới 4,76% so với cùng kỳ năm ngoái do giá XK thấp hơn giá bán trong nước. Tồn kho cuối năm 2016 vẫn ở mức cao và tăng so với đầu kỳ. Đó là những khó khăn hiện hữu mà các DN sản xuất Urê đang gặp phải.
Ông có thể cho biết những khó khăn trong xuất khẩu mặt hàng này?
Theo thông tin dự báo giá thế giới năm 2016, giá Urê XK giảm 18%, cao hơn nhiều so với mức giảm 5% của năm 2015. Trong khi mức giảm giá của thị trường trong nước khoảng 13%, giảm ít hơn so với mức giảm của thị trường thế giới. Điều này tạo áp lực cạnh tranh cho chính mặt hàng này khi XK không hiệu quả bằng việc bán hàng tại thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 122/2016/NĐ-CP và áp dụng thi hành từ ngày 1/9/2016 về biểu thuế XK, NK ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan. Theo đó mức thuế suất thuế XK đối với mặt hàng Urê tăng từ 0% tới 5%.
XK Urê, ngoài việc phải cạnh tranh với giá thấp trên thị trường thế giới thì việc bị áp thuế suất thuế XK thêm 5% sẽ khiến chi phí XK tăng thêm, hạn chế các DN trong nước XK mặt hàng này. Theo tôi, đây cũng là trở ngại lớn đối với XK Urê thời gian tới.
Dưới góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, theo ông cần có những giải pháp gì để cân đối cung- cầu mặt hàng Urê thời gian tới?
Với thực trạng trên, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục có biện pháp kiểm soát chặt chẽ phân bón NK, đặc biệt là qua đường tiểu ngạch đối với các loại phân bón trong nước đã chủ động sản xuất như Urê đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát và có chế tài phạt và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất phân bón không đủ điều kiện, các đơn vị kinh doanh phân bón giả và kém chất lượng...
Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA), giá phân đạm Urê chưa có dấu hiệu tăng nên cần chủ trương, chính sách phù hợp mang tính chiến lược đối với phân bón Urê để chủ động cân đối cung - cầu trong nước. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phân Urê trong điều kiện thị trường bất lợi như hiện nay.
Một giải pháp quan trọng cần tính đến là tập trung định hướng các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tránh sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Có như vậy mới đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng phân bón Urê tại thời điểm này.
Ngoài ra, cần linh hoạt hơn trong chính sách quản lý về Luật Giá và Luật Thuế giá trị gia tăng đang gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh của các DN kinh doanh phân bón và những bất cập trong việc thực thi.
Thời gian tới, Cục Hóa chất có chỉ đạo cũng như kế hoạch cụ thể nào để giúp các DN phân bón trong ngành, đặc biết đối với DN sản xuất mặt hàng Urê nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh XK, thưa ông?
Các DN phân bón cần chủ động xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để ổn định sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao hiệu quả quản lý nhằm giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh XK.
Trước khi nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, các DN phải tự cứu mình. Giải pháp là nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm tối đa chi phí và tận dụng lợi thế lớn nhất của mình là các kênh phân phối, nhằm nhanh chóng lấp đầy các khu vực có nhu cầu; lấy ưu thế về tốc độ và số lượng để bù đắp cho sự kém linh hoạt về giá.
Ngoài ra, các DN cần tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền đấu tranh với sản phẩm kém chất lượng, phân bón giả để bảo vệ các DN làm ăn chân chính. Chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn các hành vi gian lận, làm hàng giả, hàng nhái các sản phẩm của chính DN.
Xin cảm ơn ông!
TIN LIÊN QUAN | |
Chấn chỉnh toàn diện thị trường phân bón |