Thị trường lao động: Có khởi sắc nhưng chưa bền vững Những thị trường lao động ngoài nước nào Việt Nam hướng tới? |
Số người thiếu việc còn cao
Bản tin thị trường lao động Việt Nam quý II/2024 vừa công bố cho thấy, thu nhập bình quân của người lao động là 8,4 triệu đồng/tháng, tăng 567.000 đồng/tháng so với cùng kỳ. Trong đó, lao động nam có thu nhập trung bình 8,9 triệu đồng/tháng, lao động nữ 7,8 triệu đồng/tháng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, có 52,5 triệu người tham gia lực lượng lao động, tăng 148,6 nghìn người so với quý I/2024 và tăng 217,3 nghìn người so với quý II/2023.
Thị trường lao động dần ổn định nhưng chưa hết khó. Ảnh: Bacninh.gov.vn |
Đánh giá về công tác phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm nửa đầu năm 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động nhằm duy trì lực lượng lao động ổn định, góp phần phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Giới chuyên gia cũng có chung nhận định, thị trường lao động Việt Nam những tháng đầu năm 2024 đã hồi phục sau các cú sốc với hàng trăm nghìn lao động mất việc làm, giãn việc diễn ra từ năm 2022. Minh chứng là, số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt 119,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 110,3 nghìn doanh nghiệp. Các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo lao động được quản lý chặt chẽ hơn; thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật được chú trọng.
Tuy nhiên, dù tình hình kinh tế - xã hội đã khởi sắc hơn, số lao động có việc làm tăng đáng kể nhưng tỷ lệ lao động phi chính thức vẫn khá cao (33,4 triệu người), cho thấy thị trường lao động chưa bền vững.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực vẫn còn khó khăn, doanh nghiệp đang đối mặt với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế chưa cao, thiếu ổn định, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao hơn giá hàng hóa đầu ra, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn… đã tác động đến tình trạng thiếu việc làm của người lao động.
Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II/2024 khoảng 948 nghìn người, tăng 15 nghìn người so với quý trước và tăng 7,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý này là 2,06%, tăng 0,03 điểm phần trăm so với quý trước và không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.
Ghi nhận thực tế tại Bắc Ninh, mặc dù ngành chức năng tiếp tục duy trì tổ chức tốt mạng lưới dịch vụ cung ứng lao động, giao dịch, giới thiệu việc làm… song quyền Cục trưởng Cục Thống kê Bắc Ninh Vũ Minh Giang cho biết, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 7/2024 giảm 0,43% so với tháng trước và giảm 6,5% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng của năm 2024 giảm 1,95%.
Còn những hy vọng
Dù còn những điểm chưa tích cực, song báo cáo cũng đưa ra những triển vọng thị trường lao động quý III/2024, đó là: 51,57 triệu người có việc làm, tăng 127 nghìn người so với quý II/2024. Nhu cầu tăng việc làm tập trung ở một số ngành như: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 3,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 3,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 3,1%...
Nhiều tỉnh/thành phố cũng thông tin doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động. Ví dụ tại Bắc Giang, những tháng đầu năm 2024, nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn tỉnh là 37.240 người. Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động chủ yếu tập trung tại các khu, cụm công nghiệp. Hiện nay, trên toàn tỉnh Bắc Giang, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tiếp tục tăng nhẹ so với cùng kỳ và tăng so với tháng 5, 6/2024.
Những tháng cuối năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang sẽ tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm, chủ động các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu lao động để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Đồng thời tổ chức tốt công tác tư vấn, tuyên truyền cung ứng lao động cho doanh nghiệp, tạo việc làm cho người lao động.
Địa phương này cũng sẽ mở rộng thị trường lao động, kết nối thông tin tổ chức thực hiện phiên trên sàn giao dịch việc làm định kỳ vào thứ 5 hàng tuần để kết nối doanh nghiệp và người lao động; tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp ngay từ khi đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chú trọng công tác thông tin thị trường lao động, tổ chức có hiệu quả các phiên giao dịch việc làm hỗ trợ người lao động tìm được việc làm.
Trên địa bàn Hà Nội, theo dự báo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển các nhóm ngành như: Bán buôn, bán lẻ; công nghiệp chế biến chế tạo; hoạt động chuyên môn về khoa học - công nghệ; du lịch, lưu trú ăn uống, nghệ thuật, giải trí… tiếp tục tăng trong thời gian tới; trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo dự kiến sẽ tăng khoảng 4% so với tháng 7/2024.
Sở dĩ ngành công nghiệp chế biến chế tạo có sức hút nguồn nhân lực lớn là ngành này tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế. Mỗi năm, có khoảng 70 - 80% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty là đối tác của những tập đoàn lớn như Apple, Samsung, Intel… vẫn có nhu cầu tăng tuyển dụng lao động đã qua đào tạo, có trình độ, tay nghề, năng động với hàng nghìn chỉ tiêu.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam, nguồn nhân lực trên địa bàn Hà Nội khá dồi dào, nhất là trong quý III khi sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học sẽ tiếp tục bổ sung vào nguồn cung lao động cho doanh nghiệp.
Dù vậy, đại diện phía Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng cho hay, qua nắm bắt, một số nơi vẫn thiếu lao động, đang cần tuyển dụng nhưng không đáp ứng được nhu cầu. Trong đó, ngành điện tử thiếu nhiều lao động, có nhu cầu tuyển dụng nhiều; ngành dệt may khá ổn định.