Theo bà Bùi Thị Hoàng Yến - Trưởng bộ phận Sức khỏe và Phúc lợi của WTW Việt Nam: Trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra, người sử dụng lao động phải chịu áp lực ngày càng tăng trong việc quản lý chi phí phúc lợi, đồng thời tìm ra những cách thức mới để hỗ trợ sức khỏe tổng thể của nhân viên. Ngoài ra, thị trường lao động thắt chặt và xu hướng chuyển sang làm việc từ xa hoặc mô hình làm việc kết hợp, chi phí ngày càng tăng đang khiến người sử dụng lao động phải xem xét chiến lược phúc lợi của họ theo một khía cạnh mới. Do đó, nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch hành động nhằm nâng cao chương trình phúc lợi của họ để tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Tại Việt Nam, chỉ 44% doanh nghiệp tham gia khảo sát tin chương trình phúc lợi của họ đáp ứng được nhu cầu cá nhân của lực lượng lao động; 48% cho rằng chương trình phúc lợi của họ có sự linh hoạt trong lựa chọn các quyền lợi; 1/2 trong số những doanh nghiệp được khảo sát cho biết chương trình phúc lợi tổng thể của họ có lợi thế cạnh tranh; 1/3 cho rằng chương trình phúc lợi cốt lõi của họ (gói chăm sóc sức khỏe kết hợp một phần chương trình sống khỏe) vượt trội hơn so với doanh nghiệp khác.
Ngoài ra, 2/3 doanh nghiệp tại Việt Nam cho biết, việc tích hợp chương trình sống khỏe vào chương trình phúc lợi sẽ là mục tiêu chiến lược hàng đầu trong 2 năm tới. Hơn 2/3 người sử dụng lao động (68%) coi sức khỏe thể chất của nhân viên là ưu tiên hàng đầu của họ trong hai năm tới, tiếp theo là sức khỏe tinh thần (60%) và sức khỏe tài chính (48%).
“Khảo sát của chúng tôi cho thấy những nhân viên khỏe mạnh về thể chất, an toàn về tài chính, cân bằng về mặt cảm xúc và kết nối xã hội sẽ gắn bó và làm việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, do đại dịch, sự căng thẳng, các vấn đề sức khỏe tinh thần trong nhân viên đã gia tăng đáng kể, và những vấn đề này đã trở thành mối quan tâm lớn đối với các doanh nghiệp. Do đó, việc tập trung vào các chương trình sống khỏe, hướng tới cách tiếp cận toàn diện hơn, bao gồm việc cải thiện chương trình chăm sóc sức khỏe cho nhân viên, trở thành một trong những ưu tiên chiến lược của các nhà tuyển dụng trong 2 năm tới”, bà Bùi Thị Hoàng Yến cho biết.
Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp cũng đang cân nhắc việc sử dụng công nghệ vào chương trình chăm sóc sức khỏe và sống khỏe. Bao gồm việc sử dụng các dịch vụ khám bệnh trực tuyến hay những dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần hoặc hành vi, cũng như các ứng dụng sống khỏe trực tuyến. 45% số người tham gia khảo sát ở Việt Nam đang cân nhắc việc đào tạo kỹ năng cho các nhà quản lý để có thể phát hiện vấn đề và hỗ trợ nhân viên của họ về mặt sức khỏe và sống khỏe.
Khảo sát xu hướng phúc lợi toàn cầu 2021 được thực hiện trong tháng 5 và 6/2021. Kết quả khảo sát dựa trên phản hồi của tổng số 3.642 doanh nghiệp trên toàn cầu, bao gồm 186 doanh nghiệp tại Việt Nam với 144.000 nhân viên.