Nhu cầu sử dụng các sản phẩm ăn vặt như snack và các loại thực phẩm tiện dụng của người Việt ngày càng phổ biến chính là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp khai thác |
Dù là nước nông nghiệp nhưng do đặc thù về khí hậu nên khoai tây của Việt Nam chỉ được trồng vào vụ đông, tập trung chủ yếu ở phía Bắc và Lâm Đồng. Ngoài ra, diện tích trồng khoai tây của Việt Nam cũng đang giảm dần, hiện chỉ đạt khoảng 21.000ha (giảm khoảng 10.000ha so với 10 năm trước).
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tổng sản lượng khoai tây của Việt Nam chỉ đạt khoảng 300.000 tấn/năm - trong khi nhu cầu tiêu thụ trên thị trường đang tăng hơn bởi sự phát triển của các ngành công nghiệp thực phẩm ăn nhanh, snack và thực phẩm tiện dụng. Đây là lý do các quốc gia như Pháp, Bỉ, Trung Quốc… đẩy mạnh xuất khẩu khoai tây vào thị trường Việt Nam.
Đánh giá về thị trường Việt Nam, ông Geert Bourgeois - Bộ trưởng - Thủ hiến vùng Flanders nước Bỉ (vừa dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Bỉ đến Việt Nam tìm kiếm các cơ hội kinh doanh trong thời gian từ ngày 13-17/4/2018) - cho hay, Việt Nam được biết đến như một thiên đường dành cho người yêu ẩm thực và người tiêu dùng Việt Nam cũng vô cùng tinh tế trong việc lựa chọn các món ăn ngon. Trong khi đó, khoai tây chiên của Bỉ vẫn chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam nên chuyến đến Việt Nam lần này của chúng tôi nhằm giới thiệu sản phẩm của mình tới người Việt.
Ông Geert Bourgeois cho biết thêm, các doanh nghiệp xuất khẩu khoai tây Bỉ đã xuất khẩu thành công khoai tây chiên đông lạnh sang Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore. Việt Nam là nước tiếp theo Bỉ muốn phát triển thị phần khoai tây chiên đông lạnh.
Còn theo ông Romain Cools, Tổng thư ký Hiệp hội Ngành công nghiệp chế biến và sản xuất khoai tây Bỉ (Belgapom), mặc dù khoai tây chiên của Bỉ vẫn chưa phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, với mức tiêu thụ khoai tây vẫn thấp chỉ 4kg/người/năm và mức tăng dân số 1,1%/năm thì nhu cầu tiêu thụ khoai tây cũng gia tăng. Ông cho biết, doanh nghiệp Bỉ tự tin vào sự cạnh tranh của mình khi giá nhập khẩu trung bình của khoai tây chiên Bỉ vào Việt Nam năm 2017 là 773 Eur/tấn, thấp hơn so với giá nhập khẩu khoai tây chiên từ Mỹ là 1.102 Eur/tấn và 781 Eur/tấn từ Trung Quốc.
Không chỉ xuất khẩu sản phẩm vào Việt Nam, phía doanh nghiệp Bỉ còn mong muốn sẽ “địa phương hóa” các sản phẩm khoai tây đông lạnh tại thị trường Việt Nam. Cụ thể phía Bỉ sẽ tiến tới chuyển giao công nghệ chế biến, liên kết trồng hoặc đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Bằng cách làm này sẽ giúp tiết kiệm chi phí, mang tới cơ hội kinh doanh lâu dài cho cả hai nước.
Trước đó, vào cuối năm 2017, Tham tán nông nghiệp của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cũng cho biết, từ năm 2016 doanh nghiệp của Pháp đã nộp hồ sơ, giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng… đối với mặt hàng khoai tây cho cơ quan chức năng Việt Nam. Đồng thời tổ chức đoàn tham quan, giới thiệu mô hình canh tác cho một số nhà nhập khẩu tiềm năng. Theo vị này, doanh nghiệp Pháp đã nghiên cứu tương đối kỹ thị trường và nhận ra nhu cầu tiêu thụ tại Việt Nam rất lớn, sản lượng thường xuyên thiếu hụt nhưng lại có ít nước bán khoai tây vào Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp Pháp còn tự tin khẳng định sẽ cạnh tranh được với các sản phẩm khoai tây khác đang có mặt trên thị trường Việt Nam bởi Pháp có tới 400 chủng loại khoai tây.
Ngoài Pháp, lâu nay thị trường Việt Nam vẫn đang tiêu thụ một số lượng lớn khoai tây từ Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong tháng 1/2018, Việt Nam đã nhập 146.582 tấn khoai tây tươi từ Trung Quốc, đưa kim ngạch xuất khẩu khoai tây Trung Quốc sang Việt Nam tăng 72% trong 5 năm qua.
TIN LIÊN QUAN | |
Doanh nghiệp Bỉ tìm kiếm cơ hội mở rộng thị phần tại Việt Nam |