Thị trường hàng hóa hôm nay 2/2:Giá dầu biến động mạnh; thị trường đậu tương chịu áp lực bán mạnh Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 5/2/2024: Giá năng lượng và kim loại đồng loạt đi xuống |
Lực mua mạnh quay lại thị trường năng lượng, trong khi kim loại dẫn dắt xu hướng giảm của thị trường. Chỉ số MXV-Index rơi nhẹ 0,05% xuống 2.102 điểm, nối dài đà giảm sang ngày thứ 4 liên tiếp. Giá trị giao dịch toàn sở đạt trên 5.900 tỷ đồng.
Tiêu thụ trầm lắng tại Trung Quốc đè nặng lên giá kim loại cơ bản
Theo MXV, thị trường kim loại khởi động tuần mới với sắc đỏ áp đảo trên bảng giá. Đối với kim loại quý, kết ngày giao dịch 5/2, giá bạc nối dài đà đi xuống, chốt phiên tại mức 22,42 USD/ounce sau khi giảm 1,64%. Ở chiều ngược lại, giá bạch kim phục hồi 0,21% lên 903,5 USD/ounce.
Bảng giá kim loại |
Lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn tiếp tục gây sức ép lên nhóm kim loại quý. Sau khi bác bỏ mạnh mẽ khả năng hạ lãi suất vào tháng 3 trong cuộc họp tuần trước, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết trong cuộc phỏng vấn vào hôm qua rằng FED sẽ thận trọng về việc quyết định thời điểm cắt giảm lãi suất. Chủ tịch FED bang Minneapolis Neel Kashkari cũng có bình luận tương tự.
Tiêu thụ trầm lắng tại Trung Quốc đè nặng lên giá kim loại cơ bản |
Những quan điểm cứng rắn này của quan chức FED tiếp tục thúc đẩy đà tăng của đồng USD. Chốt phiên, chỉ số Dollar Index tăng 0,51% lên 104,45 điểm, mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2023. Chi phí nắm giữ đắt đỏ hơn khiến giá bạc chịu sức ép.
Tuy vậy, đối với bạch kim, rủi ro nguồn cung bị gián đoạn đã lấn át áp lực vĩ mô và giúp giá kết phiên trong sắc xanh. Cụ thể, tại Nam Phi, quốc gia khai thác bạch kim lớn nhất thế giới, các công ty khai thác kim loại nhóm bạch kim (PGM) của nước này đang lên kế hoạch tái cơ cấu lại ngành sản xuất và khai thác PGM. Việc tiến hành tái cơ cấu có thể gây ra gián đoạn khai thác trong ngắn hạn, ảnh hưởng tới nguồn cung.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX kéo dài đà giảm sang phiên thứ tư liên tiếp, giảm 1,31% về 3,77 USD/pound. Giá quặng sắt nối dài đà giảm từ phiên cuối tuần trước, chốt phiên tại mức 127,71 USD/tấn sau khi giảm 0,23%.
Đồng USD mạnh lên cũng là yếu tố gây sức ép lên nhóm kim loại cơ bản. Hơn nữa, tiêu thụ trầm lắng trước kỳ nghỉ lễ tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, cũng là yếu tố làm gia tăng sức bán đối với đồng và quặng sắt.
Theo Shanghai Metals Market (SMM), tính đến tuần kết thúc ngày 2/2, tồn kho quặng sắt trên 35 cảng tại Trung Quốc được SMM theo dõi đạt tổng cộng 126,26 triệu tấn, tăng 1,64 triệu tấn so với tuần kết thúc ngày 26/1.
Đối với đồng, tồn kho đồng trên Sở Giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải đã tăng gấp đôi kể từ đầu tháng 1, hiện đang ở mức 68.777 tấn.
Căng thẳng địa chính trị tiềm ẩn rủi ro, lực mua quay lại thị trường dầu
Giá dầu mở cửa ngày giao dịch đầu tuần ngày 5/2 với lực bán chiếm ưu thế, nhưng sau đó đã đảo chiều tăng mạnh vào cuối phiên. Nguyên nhân chính là do bối cảnh căng thẳng địa chính trị chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt như thị trường mong đợi. Ngoài ra, việc Tổ chức hợp tác và phát triển (OECD) đánh giá tích cực về nền kinh tế cũng hỗ trợ cho giá dầu.
Bảng giá năng lượng |
Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 0,69% lên mức 72,78 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,85% lên sát 78 USD/thùng. Cả hai loại dầu thô này đều chấm dứt chuỗi giảm giá mạnh ba phiên liên tiếp.
Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết hôm Chủ nhật (4/2) rằng, sau khi tấn công các phe phái liên kết với Tehran ở Iraq, Syria và Yemen trong hai ngày qua, Mỹ có ý định tiến hành các cuộc tấn công tiếp theo vào các nhóm được Iran hậu thuẫn ở Trung Đông. Căng thẳng này một lần nữa lại đe dọa tới an ninh khu vực Biển Đỏ và hỗ trợ giá dầu tăng cao.
Tại Nga, hai máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công nhà máy lọc dầu lớn nhất miền Nam của Nga, Volgograd vào thứ Bảy (3/5). Đây là cơ sở mới nhất trong hàng loạt cơ sở bị máy bay không người lái tấn công. Hoạt động lọc dầu của Nga cũng bị ảnh hưởng sau các sự kiện này.
Theo tính toán của Bloomberg, quốc gia này đã xử lý 5,41 triệu thùng/ngày trong 7 ngày tính đến ngày 31/1, tuần đầu tiên cho thấy tác động của các cuộc tấn công ở Ukraine. Con số này thấp hơn 135.000 thùng/ngày so với mức trung bình trong hầu hết tháng 12/2023. Những bất ổn về địa chính trị không có dấu hiệu hạ nhiệt, gây ra rủi ro nhất định cho nguồn cung năng lượng và thúc đẩy lực mua quay trở lại thị trường.
Ngoài ra, về yếu tố vĩ mô, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm từ 3,1% năm 2023 xuống 2,9% trong năm nay. Tuy nhiên, con số này vẫn khả quan hơn mức 2,7% dự kiến trong báo cáo triển vọng trước đó phát hành vào tháng 11. Tổ chức OECD cũng đã giữ nguyên ước tính tăng trưởng toàn cầu năm 2025 ở mức 3%, thúc đẩy bởi việc cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn khi áp lực lạm phát giảm bớt. Việc OECD đánh giá tích cực hơn về nền kinh tế đã củng cố triển vọng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu, từ đó hỗ trợ cho giá dầu đảo chiều tăng về cuối phiên.
Giá một số hàng hóa khác
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp |
Bảng giá nông sản |