Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 2/10: Giá nông sản, đường đồng loạt giảm mạnh Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 3/10: Giá dầu giảm ngày thứ ba liên tiếp, thị trường kim loại lao dốc |
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa hôm qua (3/10), 25 trên tổng số 31 mặt hàng nguyên liệu đang được giao dịch liên thông thế giới tại MXV đồng loạt giảm giá, kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,5% xuống 2.233 điểm, mức thấp nhất ghi nhận trong hơn 6 tuần trở lại đây. Đáng chú ý, với tính chất giao dịch hai chiều, dòng tiền đầu tư đến thị trường vẫn tăng mạnh, thể hiện qua mức tăng gần 11% của giá trị giao dịch toàn Sở, đạt 4.400 tỷ đồng.
Dầu thô đứt chuỗi giảm mạnh 3 ngày ngay trước thềm họp OPEC |
Dầu thô đứt chuỗi giảm mạnh 3 ngày ngay trước thềm họp OPEC
Đóng cửa ngày ngày 3/10, dầu thô cắt đứt chuỗi giảm ba phiên liên tiếp trước đó. Thị trường hiện lo ngại Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (OPEC+) sẽ quyết định duy trì cắt giảm tự nguyện và thị trường dầu tiếp tục thâm hụt cuối năm nay. Tuy nhiên, áp lực kinh tế vĩ mô gần đây đã hạn chế đáng kể đà tăng mạnh của giá.
Cụ thể, giá dầu WTI tăng 0,46% lên mức 89,23 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên với mức giá 90,92 USD/thùng sau khi tăng 0,23%.
Bảng giá năng lượng |
Theo Bloomberg, OPEC+ dự kiến sẽ không giảm bớt việc cắt giảm sản lượng trong cuộc họp của Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng (JMMC) vào hôm nay (4/10). Các đại biểu của nhóm cho biết họ không mong đợi ủy ban đưa ra bất kỳ khuyến nghị nào về sự thay đổi chính sách, cho dù thị trường dầu ngày càng thắt chặt và lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu nếu giá vẫn ở mức cao trên 90 USD và gần 100 USD/thùng.
Tuy nhiên, cũng trong ngày hôm qua, hãng tin Reuters cho biết Saudi Arabia có thể tăng giá dầu thô Arab Light sang châu Á tháng thứ 5 liên tiếp vào tháng 11 do việc cắt giảm sản lượng tự nguyện kéo dài và nhu cầu phục hồi trong khu vực.
Cụ thể, theo cuộc khảo sát của Reuters, gã khổng lồ dầu mỏ nhà nước Saudi Aramco có thể tăng giá bán chính thức (OSP) dầu thô chua trung bình thêm khoảng 45 cent/thùng trong tháng 11, mức cao nhất trong năm 2023.
Tổng thư ký OEPC, ông Haitham Al Ghai cho rằng nhu cầu năng lượng và dầu toàn cầu ngày càng tăng sẽ khiến giá dầu thô thế giới vẫn sẽ duy trì ở mức cao.
Al Ghais cho biết nhu cầu dầu dự kiến sẽ tăng khoảng 2,4 triệu thùng/ngày trong năm nay so với năm trước và thêm 2 triệu thùng/ngày vào năm 2024.
Mặc dù vậy, bối cảnh kinh tế vĩ mô đang trở thành sức ép ngăn cản đà tăng mạnh lại của giá dầu. Đồng USD tiếp tục đà tăng cao so với các đồng tiền thương mại khác, khiến chi phí nhập khẩu dầu bằng USD đắt đỏ hơn, hạn chế sức mua.
Dữ liệu cơ hội việc làm Mỹ tháng 9 của JOLTs bất ngờ tăng mạnh lên mức 9,61 triệu trong tháng 8/2023, cao hơn nhiều so với dự báo giảm xuống còn 8,8 triệu việc làm. Điều này tạo thêm không gian cho kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đẩy đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng cao, tạo ra rủi ro làm giảm nhu cầu và giá dầu.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thương mại của Mỹ giảm 4,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 29/9, mạnh hơn dự báo giảm 500.000 thùng của giới phân tích. Tuy nhiên, tồn kho xăng cũng tăng mạnh 3,9 triệu thùng, nên nhiều khả năng giá dầu sẽ biến động giằng co trong phiên mở cửa.
Thị trường kim loại tiếp tục chịu sức ép kép
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày 3/10, hầu hết các mặt hàng kim loại đều giảm giá, ngoại trừ thiếc LME. Trong nhóm kim loại quý, giá bạch kim giảm hai phiên liên tiếp và có mức giảm lớn nhất nhóm khi giảm 0,81%, xuống 879,6 USD/ounce. Giá bạc cũng giảm 0,21%, đóng cửa tại mức 21,37 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng tiếp tục duy trì ở vùng giá thấp nhất trong vòng 7 tháng, chốt phiên tại mức 1.822,81 USD/ounce sau khi giảm 0,25%. Đây cũng là phiên giảm thứ 7 liên tiếp của giá vàng.
Trước sức ép lo ngại lãi suất cao hơn và đà tăng của tỷ giá đồng USD cùng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, giá các mặt hàng nhóm kim loại quý tiếp tục lao dốc.
Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ công bố hôm qua cho thấy cơ hội việc làm tại Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 8, cho thấy điều kiện thị trường lao động tích cực có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất vào cuối năm. Cụ thể, số lượng cơ hội việc làm mới tại Mỹ trong tháng 8 tăng mạnh lên mức 9,61 triệu, cao hơn 810.000 so với dự báo và cao hơn mức 8,92 triệu được điều chỉnh tăng trong tháng 7.
Bảng giá kim loại |
Thêm vào những lo ngại lãi suất tăng cao, các quan chức FED gần đây liên tục có những phát biểu mang tính “diều hâu”. Trong ngày 3/10, Chủ tịch FED bang Atlanta, Raphael Bostic, cho biết còn rất lâu FED mới cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, Chủ tịch FED bang Cleveland, Loretta Mester, cho biết bà ủng hộ tăng lãi suất thêm một lần nữa nếu tình trạng hiện tại của nền kinh tế được giữ vững.
Do đó, lo ngại lãi suất tăng cao đã đẩy chỉ số Dollar Index tiếp tục tăng lên 107 điểm, duy trì ở mức cao nhất trong vòng 11 tháng, trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 12 điểm cơ bản lên 4,8%, mức cao mới kể từ năm 2007.
Kim loại quý là tài sản không mang lãi suất và được định giá bằng đồng dollar Mỹ, do vậy, môi trường lãi suất cao và đồng USD tăng như hiện nay đang gây áp lực mất giá kép đối với bạc và bạch kim.
Với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 0,56%. Giá quặng sắt giảm 1,22%, đóng cửa tại mức 119,02 USD/tấn, chấm dứt hai phiên tăng liên tiếp.
Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ cho đến hết ngày 8/10. Do đó, thị trường đang tạm thời vắng bóng các tin tức cơ bản về tiêu thụ ở Trung Quốc. Tuy vậy, các tin tức trước đó đã chỉ ra phần lớn công ty xây dựng của Trung Quốc không có nhu cầu tích trữ hàng tồn kho trong kỳ nghỉ lễ, nhu cầu tiêu thụ trầm lắng. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài của Trung Quốc vẫn đang là lực cản tiêu thụ chính đối với đồng hay sắt thép. Do đó, giá đồng và quặng sắt đều chịu áp lực bán trong phiên hôm qua do tình hình tiêu thụ yếu tại Trung Quốc.
Hơn nữa, đối với đồng, đây là mặt hàng nhạy cảm nhất với các yếu tố vĩ mô. Do vậy, việc đồng USD duy trì đà tăng mạnh cũng là yếu tố gây sức ép bán trên thị trường đồng.
Giá một số hàng hóa khác
Bảng giá nông sản
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp