Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa hôm qua 24/4, lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới, hỗ trợ chỉ số MXV-Index đảo chiều hồi phục 0,35% lên 2.327 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt hơn 4.800 tỷ đồng.
Như vậy, sau khi liên tục ghi nhận các chuỗi tăng kể từ đầu năm nay và đạt đỉnh 7 tháng, chỉ số hàng hoá hiện rơi vào xu hướng giằng co trong 2 tuần trở lại đây.
Giá quặng sắt tăng mạnh lên cao nhất 6 tuần
Thị trường kim loại diễn biến trái chiều. 2 mặt hàng kim loại quý đồng loạt suy yếu nhẹ. Trong khi đó, các mặt hàng kim loại cơ bản đón nhận lực mua tích cực. Giá bạc biến động không đáng kể khi chỉ giảm nhẹ 0,06% về 27,34 USD/ounce. Giá bạch kim cũng để mất 0,76%, chốt tại 915,8 USD/ounce, đánh dấu ngày giảm giá thứ tư liên tiếp.
Trong các phiên giao dịch gần đây, căng thẳng hạ nhiệt tại Trung Đông làm giảm nhu cầu đầu tư vào các kênh trú ẩn đã làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý, kéo giá suy yếu trở lại.
Giá quặng sắt tăng mạnh lên cao nhất 6 tuần |
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng tỏ ra thận trọng hơn trước thềm Mỹ công bố loạt dữ liệu quan trọng có thể tác động đến quyết sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), bao gồm báo cáo lạm phát chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 3 và tăng trưởng GDP quý I.
Bảng giá kim loại |
Đối với kim loại cơ bản, giá nhôm LME tăng 0,93% lên 2.603 USD/tấn nhờ triển vọng tiêu thụ lạc quan hơn tại Trung Quốc. Theo dữ liệu hải quan, nhập khẩu nhôm sơ cấp của Trung Quốc đạt 249.400 tấn trong tháng 3, tăng 11,2% so với tháng trước và tăng 246% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 721.000 tấn nhôm sơ cấp, tăng 225% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, quặng sắt là điểm sáng của nhóm khi bật tăng 4,56% lên 117,92 USD/tấn, mức cao nhất trong 6 tuần, nhờ kỳ vọng tiêu thụ sẽ cải thiện tại Trung Quốc. Cơ quan lập kế hoạch nhà nước Trung Quốc cho biết họ sẽ hướng dẫn chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng và việc sử dụng vốn. Ngoài ra, Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) cho biết từ ngày 11 đến 20/4, sản lượng thép thô hàng của các nhà máy thuộc thành viên của CISA đạt 2,12 triệu tấn, tương đương tăng 0,33% so với giai đoạn từ ngày 1 đến 10/4.
Bên cạnh đó, giá quặng sắt còn được hỗ trợ do lo ngại rủi ro nguồn cung siết chặt. Vào hôm qua, Fortescue, công ty khai thác quặng sắt lớn thứ tư thế giới, cho biết họ đã xuất khẩu 43,3 triệu tấn quặng sắt trong quý III của năm tài chính 2024-25, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, công ty này cũng cắt giảm kế hoạch xuất khẩu quặng sắt trong cả năm.
Giá ca cao trở lại xu hướng tăng vọt
Sau 2 phiên giảm, giá ca cao tăng mạnh gần 5,50%, dẫn dắt xu hướng chung của toàn thị trường hàng hoá. Giá được hỗ trợ bởi triển vọng nguồn cung kém tích cực tại các vùng sản xuất lớn. Bờ Biển Ngà và Ghana đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nặng nề nhất trong lịch sử. Sản lượng ca cao giảm năm thứ ba liên tiếp khi các khu vực gieo trồng trọng điểm đối diện với tình trạng dịch bệnh do mưa lớn kéo dài. Ủy ban ca cao Ghana đang đàm phán với các thương nhân ca cao lớn để hoãn giao ít nhất 150.000 tấn đến 250.000 tấn ca cao cho đến mùa vụ sau do thiếu hạt.
Ngoài ra, tính từ đầu vụ 2023-2024 (tháng 10/2023) đến ngày 21/4/2024, lượng ca cao được vận chuyển đến các cảng tại Bờ Biển Ngà chỉ ở mức 1,33 triệu tấn, giảm mạnh 30% so với cùng kỳ vụ trước. Thiếu hụt nguồn cung ra thị trường trong khi nhu cầu vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định đã tạo đà thúc đẩy giá tăng.
Hiệp hội Bánh kẹo Quốc gia đã báo cáo rằng sản lượng nghiền ca cao quý I ở Bắc Mỹ tăng 9,3% so với quý trước và 3,7% so với cùng kỳ lên 113.683 tấn.
Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, Citigroup Inc. dự báo giá ca cao sẽ tiếp tục tăng lên tới 12.500 USD trong vài tháng tới. Đồng thời Andurand đã dự báo hợp đồng tương lai của ca cao sẽ phá vỡ mức 20.000 USD trong năm nay.
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp |
Giá một số hàng hóa khác
Bảng giá năng lượng |
Bảng giá nông sản |