Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 20/10/2023: Giá ngô tăng mạnh, kim loại quý tăng phiên thứ 3 liên tiếp Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 23/10/2023: Giá khô đậu tương tăng hơn 8% |
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, lực bán áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày hôm qua (23/10), kéo chỉ số MXV-Index chốt ngày giảm 0,86% xuống 2.241 điểm. Trong đó, 4 trên 5 mặt hàng ghi nhận các mức giảm giá mạnh. Nhóm năng lượng đóng vai trò quan trọng trong đà suy yếu chung của toàn thị trường. Bên cạnh đó, giá trị giao dịch toàn Sở cũng cho thấy tín hiệu sụt giảm, đạt gần 4.000 tỷ đồng.
Nỗ lực xoa dịu căng thẳng tại Trung Đông kéo giá dầu giảm mạnh
Chốt ngày giao dịch 23/10, giá dầu giảm mạnh trong bối cảnh nhà lãnh đạo của các quốc gia liên quan nỗ lực ngoại giao ở Trung Đông, nhằm ngăn chặn xung đột Israel - Hamas. MXV cho biết, điều này làm giảm bớt lo ngại của nhà đầu tư về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu trong khu vực. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 2,94% xuống 85,49 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giảm 2,53% xuống 89,83 USD/thùng.
Bảng giá năng lượng |
Châu Âu cũng có các hành động ngăn chặn cuộc xung đột Israel - Hamas lan rộng. Các nhà lãnh đạo EU tán thành kêu gọi của Liên hợp quốc về việc tạm dừng cuộc chiến vì lý do nhân đạo để viện trợ có thể đến tay người Palestine ở Gaza. Tổng thống Biden mới đây đã thảo luận với các tổng thống Canada, Pháp, Đức và Ý để tăng cường phối hợp giữa các đồng minh. Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan và Tổng thống Pháp Macron cũng sẽ đến thăm Israel trong tuần này.
Mặt khác, Hamas đã thả tự do cho hai phụ nữ Israel 79 tuổi và 85 tuổi, nằm trong số hơn 200 con tin bị bắt trong cuộc bạo loạn ngày 7/10 ở miền Nam Israel.
Các nhà phân tích của JPMorgan Chase cho rằng giá dầu Brent đang bị “định giá quá mức” khoảng 7 USD/thùng. Ngoại trừ chiến tranh Yom Kippur năm 1973, không có cuộc xung đột quân sự nào trong số 10 cuộc xung đột quân sự lớn liên quan đến Israel kể từ năm 1967 có ảnh hưởng lâu dài đến giá dầu thô. Ngay cả khi cuộc chiến lan rộng ra ngoài Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine, đà tăng của giá dầu khó có thể kéo dài trong dài hạn.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo Venezuela có thể tăng sản lượng dầu thô lên 200.000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2024 |
Thêm vào yếu tố gây áp lực lên giá, tín hiệu gia tăng sản lượng ở Venezuela có thể giảm thiểu rủi ro nguồn cung thắt chặt trên thị trường. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo Venezuela có thể tăng sản lượng dầu thô lên 200.000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2024, từ mức 135.000 thùng/ngày vào năm 2023.
Theo EIA, các công ty liên doanh do Eni, Repsol và Maurel & Prom điều hành có thể tăng sản lượng thêm 50.000 thùng/ngày trong thời gian tới, đưa tổng sản lượng dầu thô của Venezuela tăng lên khoảng 900.000 thùng/ngày vào cuối năm 2024.
Về yếu tố vĩ mô, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm đã tăng lên trên mức 5% lần đầu tiên sau 16 năm. Lợi suất trái phiếu tăng nhanh sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết rằng sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và thị trường lao động mạnh mẽ có thể đảm bảo các điều kiện tài chính thắt chặt hơn. Lo ngại lãi suất duy trì cao trong thời gian dài có thể làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế, hạn chế nhu cầu dầu.
MXV nhận định, nhìn chung, giá dầu vẫn đang phản ứng khá nhạy cảm với những biến động tại khu vực Trung Đông. Các nỗ lực ngoại giao đang giúp giá dầu hạ nhiệt, nhưng bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào cũng sẽ đều đẩy giá dầu tăng trở lại và diễn biến vẫn còn khó đoán. Do đó, giá dầu có thể có các nhịp giảm điều chỉnh, nhưng xu hướng chung trong ngắn hạn thì nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì trên vùng 80 USD/thùng đối với dầu WTI và khoảng 85 USD/thùng đối với dầu Brent. Đà tăng có thể được thúc đẩy hơn nếu dữ liệu GDP quý III của Mỹ cuối tuần này tích cực hơn dự báo.
Đường dẫn đầu đà tăng của nhóm nguyên liệu công nghiệp
Kết thúc ngày 23/10, giá hai mặt hàng đường dẫn đầu đà tăng của nhóm nguyên liệu công nghiệp. Cụ thể, giá đường 11 tăng 2,35% và giá đường trắng cao hơn 2,24% so với tham chiếu. Nguồn cung bấp bênh tại các quốc gia sản xuất hàng đầu đang thúc đẩy giá đi lên.
Mưa lớn tại Brazil không chỉ khiến hoạt động vận chuyển đường gặp khó khăn, điều này còn gây áp lực lên hoạt động sản xuất đường trong nửa đầu tháng 10. Trước đó, tập đoàn công nghiệp mía đường UNICA đã dự đoán sản lượng đường nửa đầu tháng 10 tại Brazil sẽ có sự suy yếu do ảnh hưởng xấu từ thời tiết.
Đồng thời, những lo ngại về El Nino khiến sản lượng đường thấp tại Ấn Độ và Thái Lan vẫn còn hiện hữu. Trong tuần trước, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định sẽ gia hạn lệnh hạn chế xuất khẩu vô thời hạn và chưa rõ hạn ngạch xuất khẩu cho vụ mới.
Giá bông cũng ghi nhận mức tăng khá tốt khi đóng cửa cao hơn mức tham chiếu gần 2%. Dollar Index yếu đi đã phần nào thúc đẩy lực mua trở lại thị trường.
Chỉ số Dollar Index đã giảm 0,59% ngay phiên đầu tuần, đồng nghĩa với việc đồng USD suy yếu và giá bông Mỹ trở nên rẻ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chi phí giảm đi đã kích thích lực mua gia tăng, từ đó kéo giá đi lên.
Bảng giá Nguyên liệu công nghiệp |
Tín hiệu nguồn cung tích cực kéo giá ngô giảm hơn 1%
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày giao dịch 23/10, giá ngô hợp đồng tháng 12 giảm 1,06%. Mặc dù khởi sắc ngay khi mở cửa, nhưng giá nhanh chóng quay đầu giảm trong bối cảnh mùa vụ ở Argentina đón nhận một số tín hiệu khả quan. Bên cạnh đó, tốc độ xuất khẩu của Mỹ có xu hướng chậm lại cũng gây sức ép lên giá ngô trong phiên hôm qua.
Cơ quan Khí tượng Quốc gia Argentina cho biết mưa lớn đã xuất hiện ở các vùng nông nghiệp trên khắp nước này cuối tuần vừa rồi, giúp cải thiện độ ẩm đất, chất lượng cây trồng. Lượng mưa 30 - 75 mm đã được ghi nhận trong suốt hai ngày 21 - 22/10 tại các khu vực rộng lớn ở phía Tây Buenos Aires, Đông Nam Cordoba và Tây Nam Santa Fe. Những cơn mưa này cải thiện triển vọng mùa vụ của Argentina bởi trước đó hoạt động trồng ngô ở nước này bị trì hoãn do hạn hán.
Đối với tình hình xuất khẩu của Mỹ, dữ liệu từ báo cáo Giao hàng Xuất khẩu (Export Inspections) tối qua cho thấy nước này đã giao 437.549 tấn ngô trong tuần 13 - 19/10, giảm nhẹ so với mức 466.604 tấn của một tuần trước đó. Số liệu giao hàng phản ánh kết quả xuất khẩu thực tế, do đó gây áp lực lên giá ngô ngày hôm qua.
Trong khi đó, giá lúa mì hợp đồng tháng 12 diễn biến tương đối giằng co trong ngày đầu tuần và đóng cửa với mức tăng không đáng kể. Một mặt, triển vọng nguồn cung từ Nga tiếp tục cải thiện gây sức ép lên giá lúa mì. Ngược lại, lực mua kỹ thuật của thị trường đã giúp giá hồi phục trở lại trong cuối phiên.
Trong báo cáo tuần này, công ty tư vấn nông nghiệp IKAR đã nâng dự báo sản lượng ngũ cốc niên vụ 23/24 của Nga lên mức 142,2 triệu tấn, từ mức 141,6 triệu tấn ước tính trước đó. Nhờ sản lượng cao hơn, Nga dự kiến sẽ xuất khẩu 65 triệu tấn ngũ cốc trong niên vụ hiện tại, tăng nhẹ so với mức 64,7 triệu tấn dự báo trước của IKAR. Việc nguồn cung từ Nga mở rộng sẽ gây ra áp lực cạnh tranh mạnh mẽ với lúa mì Mỹ.
Trên thị trường nội địa, sáng hôm qua (23/10), giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta được điều chỉnh tăng nhẹ. Theo đó, tại cảng Cái Lân, giá chào bán ngô Nam Mỹ kỳ hạn giao hai tháng cuối năm nay dao động quanh mức 6.900 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao quý I năm sau, giá chào bán cao hơn, quanh mức 6.950 - 7.100 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá ngô chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 50 -100 đồng/kg so với giá tại cảng Cái Lân.
Giá một số hàng hóa khác
Bảng giá Kim loại |
Bảng giá Nông sản |