Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 11/10/2023: Chỉ số MXV-Index quay đầu giảm nhẹ 0,36% Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 12/10/2023: Đã 6 ngày giá hàng hoá nguyên liệu chìm trong sắc đỏ |
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu hôm qua (12/10) đóng cửa với diễn biến phân hóa. Lực mua áp đảo trên nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp. Trong khi đó, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá kim loại và năng lượng. Tuy nhiên, đà tăng mạnh của nhiều mặt hàng đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index chốt ngày đảo chiều tăng 0,55% lên 2.203 điểm. Đáng chú ý, dòng tiền mạnh mẽ quay lại thị trường, với mức tăng hơn 46%, đạt mức gần 3.900 tỷ đồng.
Nhóm nông sản đóng góp chủ yếu vào đà hồi phục của chỉ số giá hàng hoá trong ngày hôm qua, với 6 trên 7 mặt hàng đón nhận lực mua tích cực.
Giá đậu tương lên cao nhất 2 tuần ngay sau USDA công bố báo cáo
Cả ba mặt hàng họ đậu đều đồng loạt tăng mạnh. Giá đậu tương đã hồi phục 3%, đóng cửa ở mức cao nhất trong gần hai tuần qua. Sau giai đoạn biến động thận trọng trong phiên sáng, giá đã bật tăng mạnh sau khi báo cáo Cung-cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 10 được công bố.
Bảng giá nông sản |
Trong báo cáo WASDE tối qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã cắt giảm dự báo năng suất đậu tương niên vụ 2023/24 của Mỹ xuống chỉ còn 49,6 giạ/mẫu, giảm 0,5 giạ/mẫu so với ước tính trước và sát chặn dưới của khoảng dự đoán 49,5 – 50,4 giạ/mẫu của thị trường. Việc cắt giảm năng suất trong khi diện tích gieo trồng không thay đổi, sản lượng đậu tương niên vụ 2023/24 của Mỹ bị hạ xuống còn 4,10 tỷ giạ, thấp hơn so với mức 4,15 tỷ giạ ước tính tháng trước và mức 4,13 dự đoán trung bình của thị trường.
Với nguồn cung thấp hơn, USDA cũng hạ dự báo xuất khẩu đậu tương niên vụ hiện tại xuống còn 1,76 tỷ giạ, giảm 35 triệu giạ so với báo cáo tháng 9. Tồn kho đậu tương cuối niên vụ 2023/24 của Mỹ vẫn được USDA duy trì ở mức 220 triệu giạ trong báo cáo lần này, thấp hơn so với dự đoán tăng từ thị trường. Nhìn chung, các số liệu của Mỹ trong báo cáo hôm qua đều có tác động hỗ trợ giá.
Đối với các số liệu toàn cầu, tồn kho đậu tương niên vụ 2023/24 của thế giới cũng được dự báo sẽ giảm xuống còn 115,6 triệu tấn, từ mức 119,25 triệu tấn trong báo cáo trước, trái ngược với dự đoán tăng từ thị trường. Nguyên nhân chủ yếu do tồn kho ở Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ giảm. Sản lượng đậu tương của Ấn Độ đã giảm 1 triệu tấn xuống còn 11 triệu tấn do thời tiết khô hạn lịch sử trong tháng 8 ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Đây là những yếu tố góp phần thúc đẩy lực mua đối với đậu tương.
Giá khô đậu tương đã nâng lên hơn 4% và là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm nông sản. Vào hôm qua, USDA đã cắt giảm ước tính xuất khẩu khô đậu tương niên vụ 2022/23 của Argentina xuống còn 20,95 triệu tấn, từ mức 21,1 triệu tấn trong báo cáo trước, cho thấy nguồn cung từ quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới thắt chặt hơn. Đối với dầu đậu tương, mặt hàng này đã quay đầu tăng trở lại nhờ diễn biến chung của cả nhóm.
Giá khô đậu tương đã nâng lên hơn 4% và là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm nông sản. |
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua, giá khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng được điều chỉnh tăng. Theo đó, tại cảng Cái Lân, đậu tương Nam Mỹ được chào bán quanh mức 13.400 đồng/kg đối với kỳ hạn giao hai tháng cuối năm nay. Trong khi đó, với kỳ hạn giao hàng quý I năm sau, giá chào bán thấp hơn nhiều, chỉ ở mức 12.650 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 150 - 400 đồng/kg.
Thị trường bất động sản Trung Quốc ảm đạm kéo giá đồng giảm liên tiếp
Ở chiều ngược lại, trên thị trường kim loại, ngoại từ niken và quặng sắt, tất cả các mặt hàng còn lại đều giảm giá. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc và bạch kim đều đóng cửa trong sắc đỏ, chấm dứt chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp. Cụ thể, giá bạc giảm 0,79% xuống 21,95 USD/ounce và giá bạch kim đóng cửa tại mức 875,8 USD/ounce, sau khi giảm 1,93%. Đây cũng là phiên ghi nhận mức giảm lớn nhất của giá bạch kim trong gần hai tuần. Ngoài ra, giá vàng cũng giảm 0,26%, chốt phiên tại mức 1.868,65 USD/ounce.
Trong hôm qua, yếu tố gây sức ép chính lên nhóm kim loại quý là do đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh. Đồng bạc xanh và lợi suất trái phiếu được đẩy lên cao sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát tăng cao hơn dự kiến.
Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Mỹ tăng 0,4% so với tháng trước, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số CPI tháng 9 của Mỹ tăng 3,7%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo của giới phân tích.
Dữ liệu này cho thấy lạm phát tại Mỹ tăng cao hơn so với dự đoán. Điều này làm gia tăng lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát về mức 2%. Lo ngại này cũng thể hiện rõ trong kết quả khảo sát của công cụ CME Fedwatch. Cụ thể, xác suất FED tăng lãi suất vào tháng 12 hiện đang ở mức 38%, tăng từ mức 28% trước khi chỉ số CPI được công bố.
Do vậy, những mối lo về việc lãi suất tăng cao hơn đã hỗ trợ cho đồng USD tăng trở lại, với chỉ số Dollar Index tăng 0,74% lên 106,6 điểm, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng tới 15 điểm cơ bản trong phiên hôm qua.
Lợi suất trái phiếu tăng cao làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi, trong khi đồng USD mạnh lên làm làm gia tăng áp lực bán đối với bạc, bạch kim bởi chi phí đầu tư ngày càng trở nên đắt đỏ.
Bảng giá kim loại |
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp khi giảm 0,58%. Trái lại, giá quặng sắt ghi nhận phiên tăng thứ hai liên tiếp khi tăng 1,12%, đóng cửa tại mức 117,73 USD/tấn.
Giá đồng chịu sức ép kép từ cả yếu tố vĩ mô và cung cầu trong hôm qua. Về yếu tố vĩ mô, đồng USD mạnh lên làm giảm sức mua đồng, do chi phí mua đồng vật chất và đầu tư trở nên đắt đỏ hơn.
Về yếu tố cung – cầu, sự yếu kém kéo dài trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc đang là một lực cản lớn đối với tiêu thụ đồng, bất chấp mùa tiêu thụ cao điểm đang diễn ra.
Không chỉ vậy, triển vọng tiêu thụ đồng toàn cầu trong ngắn hạn đang khá bi quan. Theo báo cáo Nhóm nghiên cứu Đồng Quốc tế công bố trước đó, cung và cầu đồng sẽ gần như cân bằng vào năm 2023. Tuy nhiên, đến năm 2024, thị trường sẽ dư thừa tới 467.000 tấn, do nhu cầu ảm đạm.
Giá một số hàng hóa khác
Bảng giá năng lượng |
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp |