Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 10/8/2023: Giá năng lượng tăng mạnh, thị trường hàng hóa phục hồi Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 11/8/2023: Giá 5 mặt hàng năng lượng sụt giảm |
Giá dầu Brent giao dịch quanh mốc 87 USD
Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV) thông tin, giá dầu đã thiết lập chuỗi tăng theo tuần dài nhất kể từ cuối năm 2021 sau khi kết thúc tuần giao dịch 31/07 - 6/8, với 6 tuần tăng liên tiếp, đẩy giá lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng qua. Động thái can thiệp mới từ các nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, Saudi Arabia và Nga đã làm gia tăng thêm lo ngại thâm hụt nguồn cung nửa cuối năm, thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu.
Giá dầu Brent giảm nhẹ phiên cuối tuần, giá cà phê giảm |
Cụ thể, giá dầu WTI đóng cửa tuần với mức tăng 2,78% lên mức 82,82 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 2,17% lên mức 86,24 USD/thùng.
Sau đó một ngày, kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 7/8, bảng giá năng lượng ghi nhận sự phân hoá. Giá dầu giảm nhẹ sau khi đạt mức cao nhất trong gần 4 tháng qua, một phần do áp lực chốt lời, một phần do các rủi ro về nguồn cung đã được phản ánh vào giá trước đó, cùng với lo ngại tăng trưởng và tình hình tiêu thụ tại các quốc gia lớn.
Cụ thể, giá dầu WTI giảm 1,06%, đóng cửa sát mốc 82 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,67% xuống còn 85,66 USD/thùng.
Sang ngày 8/8, hai mặt hàng dầu thô là điểm sáng với mức tăng tương đối mạnh, dẫn đầu đà tăng thị trường. Kết phiên, giá dầu WTI tăng 1,2% lên sát mốc 83 USD/thùng. Dầu Brent tăng gần 1% lên mức 86,17 USD/thùng.
Đến ngày 9/8, 2 mặt hàng dầu thô được giao dịch nhiều nhất là dầu WTI và dầu Brent cũng đã thiết lập đỉnh mới, đóng cửa ở mức cao nhất từ tháng 11/2022 trong bối cảnh lo ngại thiếu hụt nguồn cung toàn cầu trở nên sâu sắc. Dầu WTI chốt ngày với mức tăng 1,78% lên 84,40 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại mức giá 87,55 USD/thùng sau khi tăng 1,60%.
Sang phiên cuối tuần, giá dầu WTI giảm 1,87% xuống 82,82 USD/thùng, dầu Brent giảm 1,31% xuống 86,4 USD/thùng, cắt đứt chuỗi tăng 5 ngày liên tiếp. MXV cho biết, một phần, dầu thô chịu lực bán chốt lời sau khi liên tục tăng cao trong 3 tuần vừa qua. Mặt khác, sự không chắc chắn về tình hình lạm phát và kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng khiến nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng trong việc mở các vị thế mua mới.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã phát hành báo cáo tháng 8, cho thấy sản lượng dầu thô của nhóm trong tháng 7 đã giảm 836.000 thùng/ngày so với tháng trước xuống mức trung bình 27,31 triệu thùng/ngày. Saudi Arabia thực hiện khá sát cam kết cắt giảm khi giảm 968.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, OPEC điều chỉnh tăng sản lượng các nước không thuộc khối OPEC (non-OPEC) thêm trung bình 100.000 thùng/ngày năm 2023 so với báo cáo trước. Đáng chú ý, OPEC tăng mạnh dự báo sản lượng quý III của nhóm non-OPEC thêm 450.000 thùng/ngày. Điều này có thể bù đắp một phần các tổn thất từ phía Saudi Arabia, gây áp lực nhất định đối với giá dầu.
Tuy nhiên MXV nhận định, về trung và dài hạn, báo cáo vẫn cho thấy thị trường dầu mỏ toàn cầu đang trên đà thâm hụt nguồn cung mạnh hơn 2 triệu thùng/ngày trong quý này, tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới.
Giá cà phê suy giảm
Về giá cà phê giao dịch trên thế giới, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) thông tin, kết thúc phiên giao dịch ngày 9/8, giá hai mặt hàng cà phê trở lại xu hướng trái chiều. Giá Arabica quay đầu suy yếu khi xuất khẩu cà phê tại Brazil được đẩy mạnh trong những ngày đầu tháng 8. Trung bình hàng ngày trong tuần đầu tiên của tháng 8 năm 2023, Brazil xuất khẩu 8.374,1 tấn cà phê xanh, tăng 37,7% so với mức 6.082,1 tấn cà phê mà quốc gia này vận chuyển trung bình hàng ngày trong tháng 8 năm 2022. Trong khi đó, giá Robusta tiếp tục khởi sắc với lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở giao dịch hàng hóa liên lục địa (ICE) tiếp tục đi ngang tại mức 527.942 bao loại 60kg, mức thấp nhất trong 8 tháng và chưa có nguồn cung mới bổ sung ở thời điểm hiện tại.
Tuy vậy, thị trường đang có cái nhìn rất tích cực về sản lượng cà phê vụ mới trong năm 2023 tại Brazil, đặc biệt là sự gia tăng mạnh mẽ của cà phê Robusta.
Trên thị trường Robusta, tồn kho Robusta trên Sở ICE hiện ghi nhận ở mức 50.190 tấn, thấp nhất trong 7 năm trở lại đây. Với tình hình nguồn cung từ phía Brazil dường như chưa đủ để bù đắp khan hiếm từ thị trường Việt Nam, dữ liệu tồn kho khó có thể tăng trong ngắn hạn.
Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, Brazil đang tích cực đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu cà phê Robusta khi nguồn cung vụ mới sẵn có. Điều này cũng phần nào dằn lại mối lo của thị trường, từ đó giảm bớt lực suy yếu của giá cà phê Robusta.
Cuối tuần, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt suy yếu. Đóng cửa, giá Arabica giảm phiên thứ 3 liên tiếp về mức 3.525 USD/tấn. Các thông tin cơ bản cho thấy nguồn cung chuyển hướng tích cực, đã gây sức ép khiến giá quay về đà giảm. Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe) công bố dữ liệu xuất khẩu cà phê tháng 07 tích cực, thúc đẩy xuất khẩu tại quốc gia này. Xuất khẩu cà phê Arabica chiếm phần lớn xuất khẩu của Brazil tăng 6,5% so với cùng tháng năm ngoái, đạt 2,19 triệu bao.
Số liệu xuất khẩu cà phê tăng mạnh trong tháng 07 tại Brazil cũng gây sức ép khiến giá Robusta giảm 0,49% trong phiên hôm qua. Theo đó, xuất khẩu cà phê Robusta của Brazil tăng 245,4% lên 505.153 bao, đánh dấu tháng xuất khẩu Robusta tốt nhất kể từ tháng 9/2020, Cecafe cho biết. Điều này góp phần làm dịu bớt những lo ngại về việc đảm bảo nguồn cung trong bối cảnh tình trạng cạn kiệt cà phê tại Việt Nam.
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu cà phê tháng 07 vừa qua của nước ta đạt 108.872 tấn, giảm mạnh 22,6% so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê của cả nước giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 1.116.804 tấn.
Nhập khẩu lúa mì giảm
Theo dữ liệu được Bộ Nông nghiệp Ukraine công bố, lũy kế xuất khẩu ngũ cốc của nước này từ đầu niên vụ 2023/24 đến nay đạt 2,76 triệu tấn, bao gồm 1,33 triệu tấn ngô và 1,08 tấn lúa mì. Bộ không đưa ra số liệu trong cùng kỳ năm ngoái nhưng cho biết Ukraine đã xuất khẩu 2,34 triệu tấn ngũ cốc tính đến ngày 12/08 năm ngoái.
Hầu hết ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu qua các cảng nước sâu ở Biển Đen nhờ thỏa thuận ngũ cốc, do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Việc Nga rút khỏi thỏa thuận vào tháng trước đã khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa từ Ukraine bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù vậy dữ liệu trên cho thấy hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine không gặp gián đoạn đáng kể, góp phần gây sức ép lên giá.
Thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, trong tháng 7 vừa qua, nhập khẩu lúa mì của nước ta đã giảm 25,3% về lượng và 26% về giá trị so với tháng 6, cho thấy việc giá vẫn cao đã hạn chế nhu cầu đối với mặt hàng này trong ngành sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, luỹ kế 7 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu 2,8 triệu tấn lúa mì, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái với tổng giá trị nhập khẩu lên đến trên 1 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ 2022.