Thị trường hàng hoá hôm nay 28/6: Sắc xanh trở lại bảng giá hàng hoá thế giới Thị trường hàng hoá hôm nay 29/6: Sức ép từ nguồn cung hỗ trợ đà tăng nhóm nông sản |
Dẫn đầu xu hướng tăng của nhóm nguyên liệu là mức tăng đột biến gần 5% của giá cà phê Arabica lên mức 5.032 USD/tấn, phục hồi lại hơn nửa những gì đã mất trong 4 phiên giảm liên tiếp trước đó. Khối lượng giao dịch cao hơn nhiều so với mức trung bình.
GDP chính thức của Mỹ trong quý I giảm 1,6%, cao hơn mức dự đoán giảm 1,5% của thị trường, đã tiếp tục tác động tiêu cực đến thị trường tài chính Mỹ và giúp chỉ số Dollar Index vượt trở lại mốc 105. Tuy nhiên, đồng Real Brazil bất ngờ tăng mạnh 1,63% sau khi sụt giảm về mức thấp nhất 20 tuần, đã hạn chế lực bán từ nông dân Brazil. Bên cạnh đó, cấu trúc giá của cà phê Arabica đang có sự nghịch đảo, khi giá tháng cao hơn tháng xa, cho thấy lo ngại rõ rệt của thị trường về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, sau khi tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US giảm về mức thấp nhất trong vòng 22 năm.
Mức tăng mạnh của giá cà phê Arabica cũng phần nào tác động tích cực đến giá cà phê Robusta, kết hợp các số liệu xuất khẩu tích cực của cà phê Việt Nam trong nửa đầu năm 2022, giúp giá cũng phục hồi trở lại sau 4 phiên giảm liên tiếp.
Ở một diễn biến khác, giá bông bất ngờ tăng kịch trần lên mức 2.149 USD/tấn sau chuỗi 7 phiên đóng cửa trong sắc đỏ trước đó. Thời tiết không thuận lợi tại các vùng gieo trồng chính của Mỹ, cùng với lực bán suy giảm sau khi đã bị bán quá mức trước đó, là yếu tố chính hỗ trợ giá bông trong phiên hôm qua. Diện tích gieo trồng bông trong báo cáo Acreage đêm nay được thị trường dự đoán ở mức 12,19 triệu mẫu, thấp hơn mức 12,23 triệu mẫu mà Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra trong báo cáo Triển vọng gieo trồng.
Cùng chiều với giá bông và cà phê là mức tăng nhẹ không đáng kể của giá 2 mặt hàng đường. Chính sách giảm thuế xăng của Chính phủ Brazil về ngang mức với ethanol nhằm kiềm chế lạm phát đang vấp phải sự phản đối ở nhiều bang, và giúp lực bán được hạn chế.
Ở hướng ngược lại, giá dầu cọ thô trở lại đà giảm sau 2 phiên phục hồi liên tiếp trước đó, khi giá gặp sự cản trở ở vùng kháng cự tâm lý 5000 Ringgit. Các quan chức Indonesia cho biết, các công ty dầu cọ sẽ được cung cấp hạn ngạch xuất khẩu lớn hơn theo kế hoạch mới để điều chỉnh các quy định về nghĩa vụ bán hàng nội địa. Đây là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm cải thiện phân phối trong nước sau cuộc khủng hoảng giá kéo dài nhiều tháng.
Giá cacao tiếp tục giảm phiên thứ 6 liên tiếp xuống còn 2.366 USD/tấn, sau khi để mất mốc hỗ trợ quan trọng 2.400 USD, do sức ép từ mức tăng của đồng đôla.