Dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, diễn biến giá phân hóa khiến chỉ số hàng hoá MXV- Index chốt tuần mức 2.152 điểm, chỉ giảm 1 điểm so với tuần trước đó. Tuy nhiên, đây là tuần giao dịch rất sôi động khi đóng cửa nhiều mặt hàng ghi nhận các mức biến động mạnh từ 5 -10%.
Trong khi đó, nhà đầu tư trong nước cho thấy tâm lý thận trọng khi biên độ giá giao động rất mạnh, thể hiện qua giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt 4.400 tỷ đồng/phiên, giảm 100 tỷ đồng so với mức trung bình của tuần trước đó.
Giá dầu phục hồi tuần thứ 2 liên tiếp trước mùa lái xe cao điểm Mỹ
Kết thúc tuần giao dịch 22/5 - 28/5, dầu thô đã ghi nhận tuần tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp. Lo ngại nguồn cung hạn hẹp hơn, trong khi nhu cầu có dấu hiệu khởi sắc khi Mỹ chuẩn bị bước vào mùa tiêu thụ cao điểm đã hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, mức tăng không quá mạnh khi nhiều nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng chờ đợi kết quả cuộc đàm phán trần nợ công của Mỹ.
Giá dầu WTI tăng 1,37% lên mức 72,67 USD/thùng và dầu Brent tăng 2%, đóng cửa sát mốc 77 USD/thùng.
Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman vào đầu tuần qua đã đưa ra cảnh báo đối với các nhà đầu cơ trên thị trường trước thềm cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vào ngày 4/6 sắp tới.
Điều này khiến thị trường lo ngại rằng OPEC+ tiến tới một đợt giảm sản lượng khác vào tháng 6 để hạn chế đà suy yếu của giá dầu. Giá dầu đã đạt được mức tăng đáng kể sau thông tin này. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak vào cuối tuần cho biết ông không mong đợi bước đi mới nào từ OPEC+ trong cuộc họp sắp tới.
Yếu tố cung - cầu cũng đã góp phần thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu thô. Báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy nhu cầu tiêu thụ của Mỹ tăng mạnh và có thể tiếp tục duy trì trong thời gian tới, khi Kỳ nghỉ Lễ Tưởng niệm (Memorial Day) và mùa du lịch cao điểm đang đến gần.
Cụ thể, tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm mạnh 12,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 19/5. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng giảm lần lượt 2,1 triệu thùng và 600,000 thùng. Tổng sản phẩm được cung cấp, một thước đo phản ánh nhu cầu tiêu dùng thực tế của người Mỹ trong tuần, tăng mạnh lên 20,7 triệu thùng, vượt qua cả mức trung bình bốn tuần 600,000 thùng.
Trong khi đó, nguồn cung khai thác tại Mỹ tiếp tục hạn chế. Dữ liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ giảm 9 xuống 711 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 26/5, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2022. Như vậy, số giàn khoan dầu khí của Mỹ đã giảm 44 giàn trong tháng 5, mức giảm lớn nhất trong 3 năm.
Tuy nhiên, các yếu tố vĩ mô không chắc chắn, đặc biệt là xung quanh cuộc đàm phán về trần nợ công của Chính phủ Mỹ bế tắc dài ngày trong suốt tuần qua, đã hạn chế đà phục hồi của giá dầu. Điều này khiến giá dầu kết thúc tuần chỉ với mức độ biến động tăng nhẹ.
Thông tin mới nhất vào Chủ nhật ngày 28/5, Tổng thống Joe Biden cho biết, ông và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được thỏa thuận cuối cùng để ngăn chặn một vụ vỡ nợ lịch sử của Mỹ. Bước tiến lớn này đã kéo giá dầu mở cửa tăng giá ngay trong phiên sáng nay. Dự luật sẽ được xem xét công khai trong 72 giờ và cần được bỏ phiếu chấp thuận tại Hạ viện.
Ở diễn biến khác, giá khí tự nhiên giảm mạnh gần 11% trong tuần qua khi tăng trưởng nhu cầu chậm lại, trong khi nguồn cung dồi dào. Nhà cung cấp dữ liệu của Reuters cho biết sản lượng khí đốt trung bình ở 48 bang của Mỹ đã tăng lên 101,5 tỷ feet khối/ngày (bcfd) trong tháng 5, sẽ vượt qua kỷ lục hàng tháng của tháng 4 là 101,4 bcfd.
Dự báo nhu cầu khí đốt của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 90,8 bcfd xuống 89,7 bcfd vào tuần này khi thời tiết ôn hòa hơn.
Trước những diễn biến của giá dầu, MXV phân tích kỹ thuật và khuyến nghị: Về mặt kỹ thuật, giá dầu tiếp tục di chuyển trên kênh xu hướng tăng, và nằm trong mô hình tam giác. Khung H4 cho thấy MACD có dấu hiệu cắt lên đường Signal bên trên đường Zero. Nhiều khả năng giá sẽ test lại vùng 72,3 USD và tiếp tục mức tăng. Nhà đầu tư có thể đợi giá hồi về và mở mua quanh vùng 72,3 - 72,5 USD, kỳ vọng chốt lời 73,8 - 74 USD. Cắt lỗ 71,6 USD.
Giá ngô tăng vọt gần 9%
Kết thúc tuần giao dịch 22/5 - 28/5, giá ngô đã bất ngờ đảo chiều, nhảy vọt tới gần 9% lên trên 237 USD/tấn. Đây cũng là tuần ghi nhận mức tăng cao nhất của mặt hàng này trong vòng 10 tháng qua. Thị trường hồi phục mạnh mẽ trở lại do nguồn cung có thể sụt giảm khi mùa vụ Mỹ đang bước vào giai đoạn nắng nóng cao điểm của mùa hè.
Cụ thể, dự báo thời tiết tại Mỹ cho thấy thời tiết nóng và khô ráo sẽ bao trùm trên hầu hết khu vực trồng trọt quan trọng là Midwest trong 2 tuần tới. Vụ ngô của Mỹ đã sắp hoàn thành giai đoạn gieo trồng và khung thời tiết này có thể gây ra ảnh hưởng xấu đối với cây trồng, hạn chế quá trình nảy mầm. Lo ngại này đã thúc đẩy giá ngô tăng vọt 5 phiên liên tiếp.
Ngoài ra, thời tiết khô hạn thời gian gần đây cũng đang khiến nông dân Brazil lo ngại về triển vọng ngô vụ 2 năm nay, đặc biệt là tại Parana - bang sản xuất ngô vụ 2 lớn thứ 2 của nước này.
Mặc dù nguồn cung cũng chính là lý do dẫn tới việc lực mua áp đảo trên thị trường lúa mì nhưng giá mặt hàng này ghi nhận mức tăng thấp hơn nhiều so với ngô. Khoảng cách giữa giá ngô và giá lúa mì đã thu hẹp dần sau tuần giao dịch vừa qua.
Khả năng Nga không tiếp tục tham gia thoả thuận lúa cốc Biển Đen cũng liên tục thúc đẩy giá lúa mì. Tuy nhiên, khối lượng bán hàng lúa mì của Mỹ giảm về mức âm đã hạn chế đà tăng của giá.
Thị trường kim loại lao dốc do sức ép từ đồng USD
Kết thúc tuần giao dịch 22/5 - 28/5, các mặt hàng kim loại đồng loạt giảm giá. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạch kim dẫn đầu đà giảm khi giảm mạnh 4,43% xuống 1.028,1 USD/ounce, đánh dấu tuần giảm thứ hai liên tiếp của bạch kim, trong khi giá bạc giảm tuần thứ ba liên tiếp. Cụ thể, giá bạc giảm 2,91% về 23,36 USD/ounce.
Trong tuần qua, đàm phán nâng trần nợ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy vẫn là tâm điểm chú ý của thị trường. Trong bối cảnh Mỹ vẫn bế tắc về trần nợ, các nhà đầu tư tăng cường nắm giữ đồng USD với tính trú ẩn và thanh khoản cao hơn. Điều này khiến vai trò trú ẩn của bạc và bạch kim có phần thất thế hơn.
Ngoài ra, dữ liệu lạm phát cao hơn ước tính được công bố vào cuối tuần tiếp tục làm gia tăng lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6. Điều này tiếp tục củng cố sức mạnh đồng USD. Chỉ số Dollar Index tăng lên 104,21 điểm, mức cao nhất trong hơn 2 tháng. Chi phí đầu tư đắt đỏ hơn cũng là yếu tố làm giảm sức mua bạc và bạch kim.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng USD mạnh lên và triển vọng tiêu thụ kém khiến giá các mặt hàng đồng loạt giảm. Giá đồng COMEX giảm 1,34%. Giá quặng sắt cũng giảm mạnh 4,55% xuống 100,58 USD/tấn.
Trong khi nhu cầu tiêu thụ chưa có dấu hiệu khởi sắc, nguồn cung đồng toàn cầu tương đối ổn định. Tồn kho đồng trên Sở LME hiện đã tăng lên 97.725 tấn, mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2022. Hơn nữa, Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG) cho biết, thị trường đồng tinh luyện thặng dư 332.000 tấn trong quý I/2023, tăng hơn 40 lần so với mức thặng dư 8.000 tấn trong cùng kỳ năm ngoái.
Còn với thị trường quặng sắt, nhu cầu tiêu thụ cũng trở nên mờ nhạt khi mùa cao điểm xây dựng tại Trung Quốc dần kết thúc. Hơn nữa, triển vọng ngành thép kém sắc làm giảm sức mua quặng sắt do sắt là nguyên liệu đầu vào sản xuất thép. Theo Hiệp hội thép thế giới (WorldSteel), tổng sản lượng thép thô trên thế giới trong tháng 4 đạt 161,4 triệu tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá hàng hoá nguyên liệu có khả năng xu hướng tăng trong tuần này
Theo MXV, tuần này, trọng tâm chú ý của thị trường nông sản, cũng như cà phê hay bông tiếp tục là các thông tin về thời tiết, mùa vụ cũng như số liệu xuất khẩu để đánh giá về nguồn cung và nhu cầu đối với từng mặt hàng.
Trong khi đó, hiện tại đang là thời điểm mà thời tiết tại Mỹ là mối lo ngại lớn nhất đối với thị trường khi nông dân đang bước vào những đợt gieo trồng ngô và đậu tương cuối cùng của mùa vụ năm nay. Đây cũng được xem là bắt đầu bước vào mùa nóng và khô nhất hàng năm. Xu hướng giảm của giá nông sản trong vài tháng vừa qua có thể sẽ chậm lại và giá các mặt hàng khả năng sẽ tiếp đà hồi phục ngắn trong tuần.
Trong khi đó, Báo cáo Bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ phát hành vào thứ 6 cùng với dữ liệu sản xuất tháng 05 của Trung Quốc sẽ có tác động mạnh lên xu hướng giá các mặt hàng kim loại, năng lượng.
Cuối tuần, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ sẽ tổ chức cuộc chính sách tháng 6. Nếu nhóm này quyết định cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu như thị trường dự đoán, hai mặt hàng dầu thô nhiều khả năng sẽ bứt phá.