Giá dầu thô đột ngột giảm phiên cuối tuần
Giá dầu thô đã có đến 4 phiên tăng, trước khi giảm vào phiên cuối tuần. Cụ thể, đầu tuần, giá dầu thô ở mức 74,29 USD/thùng sau khi tăng 4,6% so với tuần trước, giá dầu Brent tăng 3,86% lên mức 79,04 USD/thùng.
Giá dầu giảm trong phiên cuối tuần |
Dầu thô đã nhận được động lực tăng mạnh mẽ ngay từ các phiên đầu tuần trước các rủi ro từ nguồn cung, khi TC Energy, công ty quản lý đường ống Keystone phân phối dầu kỳ hạn tại Mỹ, dù nỗ lực khắc phục sự cố tràn dầu từ tuần trước đó, nhưng vẫn chưa đưa ra thông báo kế hoạch khởi động lại đường ống dẫn dầu lên tới 600.000 thùng/ngày.
Đến ngày 20/12, giá dầu thô WTI tăng 1,24% lên 75,38 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,96% lên 79,8 USD/thùng.
Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc kết thúc vào ngày thứ sáu tuần trước, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cùng với các nhà lãnh đạo cấp cao đã kêu gọi tăng cường chính sách hỗ trợ để thực hiện mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2023 sắp tới. Theo Bloomberg, các nhà hoạch định chính sách có thể nhắm tới mục tiêu tăng trưởng 5%, sau khi nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới chỉ có thể tăng trưởng 3% trong năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Động thái này, kết hợp với việc nới lỏng các hạn chế chống dịch trong nhiều tuần vừa qua, đã củng cố cho kỳ vọng của các nhà đầu tư rằng Trung Quốc sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ trong năm 2023 sắp tới, và thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cũng như giá dầu thô.
Sang ngày 21/12, giá dầu thô WTI tăng 1,13% lên 76,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent nhích nhẹ 0,24% và đóng cửa ở mức 79,99 USD/thùng.
Đến ngày 22/12, giá dầu WTI tăng 2,7% lên mức 78,29 USD/thùng, và dầu Brent cũng tăng 2,76% lên mức 82,2 USD/thùng.
Tuy nhiên bước sang ngày 23/12, giá dầu thô WTI giảm 1,02% còn 77,49 USD/thùng, giá dầu thô Brent đóng cửa thấp hơn 1,48% về mức 80,98 USD/thùng. Giá giảm trở lại trong phiên tối cùng với cú lao dốc của thị trường chứng khoán Mỹ.
Triển vọng tiêu thụ kém khả quan hiện đang làm lu mờ lo ngại về nguồn cung. Theo tính toán của Reuters, xuất khẩu hỗn hợp dầu thô của Nga có thể sẽ giảm xuống khoảng 5 triệu tấn trong tháng này từ mức 6 triệu tấn trong tháng 11, tương đương với mức giảm 20% do các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Nga đang gặp khó khăn trong việc dịch chuyển hoàn toàn dòng chảy xuất khẩu từ châu Âu sang các thị trường khác như Trung Quốc và Ấn Độ.
Vì thị trường tài chính sôi động nhất là Mỹ đang dần bước vào kỳ nghỉ lễ lớn nhất năm, khiến cho khối lượng giao dịch dầu thô giảm đáng kể, làm gia tăng mức biến động và độ rủi ro. Bên cạnh đó, các cơn bão mùa đông tại khu vực này đang kìm hãm tiêu thụ dầu trong giai đoạn cao điểm di chuyển của năm, và gây sức ép lên giá.
Doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi trong nước chờ đợi nhịp điều chỉnh giá
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày 20/12 tại Cảng Cái Lân, giá chào bán khô đậu tương ở mức 14.900 – 15.000 đồng/kg đối với kỳ hạn giao tháng cuối năm nay. Đối với kỳ hạn giao quý I năm sau, giá dao động trong khoảng 13.900 – 14.900 đồng/kg.
MXV cho biết, giai đoạn vừa qua, thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nước ta vẫn khá ảm đạm do giá nông sản vẫn giữ ở mức cao khiến các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản vẫn đang chờ thêm biến động mới đối với các chuyến hàng quý I. Triển vọng nhu cầu suy yếu của Trung Quốc sẽ gây sức ép mạnh lên giá trong ngắn hạn và tạo cơ hội cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu nguyên liệu trước khi rủi ro về chu kỳ tăng giá quay trở lại.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của nước ta trong tháng 11 vừa qua đạt 509 triệu USD, tăng 26,6% so với tháng 10. Luỹ kế từ đầu năm, cả nước nhập khẩu lượng thức ăn gia súc tương đương trị giá hơn 5 tỷ USD, tăng 11,5% so với 11 tháng đầu năm 2021. Theo MXV, giá thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trong quý I năm sau sẽ phụ thuộc rất nhiều vào triển vọng mùa vụ tại các quốc gia cung ứng hàng đầu như Brazil và Argentina.
Còn trong những ngày cuối năm nay, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá thịt hơi thành phẩm đầu ra vẫn biến động thất thường khiến các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp chỉ thận trọng trong việc tái đàn. Điều này sẽ khiến ngành chăn nuôi nước ta trước dịp Tết Nguyên Đán nhiều khả năng vẫn sẽ tương đối trầm lặng. Ghi nhận trong sáng nay, trên thị trường nội địa, giá thịt lợn hơi toàn quốc không có nhiều thay đổi so với ngày hôm qua, tiếp tục dao động trong khoảng 51.000 – 54.000 đồng/kg, vùng giá thấp nhất trong nhiều tháng trở lại đây.
Giá cà phê khởi sắc
Ngày 23/12, giá cà phê Arabica quay đầu giảm sau 2 phiên tăng liên tiếp trước đó, đóng cửa giá giảm 0,27%. Mặc dù USDA đưa ra ước tính sản lượng và xuất khẩu cà phê trên toàn cầu niên vụ 22/23 giảm so với dự báo trước đó hồi tháng 06, nhưng mức cung ứng này vẫn cao hơn so với niên vụ trước. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu từ các nước tiêu thụ chính như Mỹ và EU cũng được cơ quan này dự đoán có sự giảm mạnh. Điều này đã gây sức ép khiến giá Arabica quay đầu giảm. Bên cạnh đó, tồn kho đạt chuẩn Arabica trên Sở ICE US tăng liên tục và đang ở mức cao nhất trong hơn 05 tháng cũng góp phần khiến giá suy yếu.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, cùng chiều với giá thế giới, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt giảm 100 đồng/kg. Theo đó, giá thu mua cà phê trên toàn quốc dao động trong khoảng 40.200 – 40.900 đồng/kg.
Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng lượng cà phê xuất khẩu trong 15 ngày đầu tháng 12 của nước ta đạt hơn 69,9 nghìn tấn, tăng mạnh 26,5% so với mức 55,4 nghìn tấn của nửa đầu tháng 11. Với gần 70 nghìn tấn cà phê xuất khẩu, Việt Nam đã thu về hơn 156,9 triệu USD.
Luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/12, cả nước đã xuất khẩu tổng cộng 1,65 triệu tấn cà phê, đạt tổng kim ngạch 3,79 tỷ USD, tiến rất sát với mục tiêu 4 tỷ USD trong năm nay.