Thị trường hàng hoá hôm nay 12/7: Giá nông sản diễn biến trái chiều Thị trường hàng hoá hôm nay 13/7: Chìm trong sắc đỏ Thị trường hàng hoá hôm nay 15/7: Hàng loạt mặt hàng lao dốc mạnh |
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), do nhiều nhóm hàng hóa chím trong sắc đỏ đã khiến chỉ số MXV-index lao dốc 4,93% xuống mức 2495,46 điểm. Đáng chú ý, chỉ số MXV-index Nông sản đạt mức điểm thấp nhất trong vòng 6 tháng.
Tuy nhiên, nông sản lại là nhóm duy nhất được hưởng lợi từ dòng tiền đầu tư tăng lên trong tuần qua, chiếm gần 40% giá trị giao dịch toàn Sở. Nhóm Năng lượng vẫn duy trì sức hút mạnh nhất đối với các nhà đầu tư. Kết thúc tuần, giá trị giao dịch toàn Sở suy yếu nhẹ 7,78% nhưng vẫn duy trì ổn định ở mức hơn 3.700 tỷ đồng trung bình mỗi phiên.
Quặng sắt lao dốc, đánh mất mốc 100 USD/tấn
Đối với nhóm kim loại, ngoại trừ chì LME, sắc đỏ bao trùm toàn bộ các mặt hàng kim loại còn lại. Đáng chú ý, giá quặng sắt đã lao dốc mạnh mẽ và đánh mất gần 15% giá trị chỉ trong tuần qua.
Tâm điểm của tuần qua có tác động mạnh nhất tới nhóm kim loại quý là mức lạm phát đạt đỉnh trong vòng hơn 4 thập kỷ tại Mỹ. Điều này khiến tâm lý các nhà đầu tư nghi ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ mạnh tay nâng lãi suất ở mức kỷ lục vào cuộc họp cuối tháng này. Đồng Dollar tiếp tục tuần thứ 3 tăng vọt và do đó, gây áp lực tới giá bạc và bạch kim, làm xói mòn vai trò trú ẩn an toàn của nhóm kim loại quý.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX nối dài đà giảm sang tuần thứ 6 liên tiếp với mức giảm mạnh nhất theo tuần trong vòng hơn 1 năm, suy yếu hơn 8% xuống 3,23 USD/pound do sức ép kép từ FED và yếu tố dịch bệnh tại Trung Quốc.
Đáng chú ý, giá quặng sắt đã có tuần sụt giảm mạnh mẽ gần 15% và đánh mất mốc 100 USD/tấn. Nguyên nhân chính là do khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc, khi nhiều người mua nhà đang tẩy chay việc thanh toán khoản thế chấp và khiến nợ xấu lên tới 312 triệu USD.
Bên cạnh đó, tình hình thời tiết khắc nghiệt với các đợt nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung, trong khi mưa lớn gây ra lũ lụt ở miền Nam quốc gia này đã làm gián đoạn nhu cầu sử dụng sắt thép trong xây dựng.
Giá dầu gặp sức ép trước rủi ro nhu cầu suy yếu
Giá dầu thô thế giới giảm tuần thứ hai liên tiếp với hợp đồng dầu thô WTI tháng 8 giảm 6,87% về 97,59 USD/thùng, hợp đồng dầu thô Brent tháng 9 giảm 5,48% về 101,16 USD/thùng. Sức ép bán áp đảo trên thị trường trước một loạt các tin tức vĩ mô tiêu cực và các báo cáo quan trọng của nhiều tổ chức lớn.
Tương tự như nhóm kim loại, rủi ro tăng lãi suất của FED trong tương lai đã gây sức ép mạnh nhất lên giá dầu trong tuần qua. Đáng chú ý, báo cáo tuần của EIA cho thấy nhu cầu tiêu thụ xăng tại Mỹ đã hạ nhiệt trong tuần kết thúc ngày 8/7, phản ánh việc người tiêu dùng bắt đầu cắt giảm nhu cầu do giá năng lượng đã tăng quá mạnh.
Về phía nguồn cung, cuối tuần vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến công du đến Arab Saudi để kêu gọi OPEC gia tăng sản lượng. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ cam kết mới nào được đưa ra, thay vào đó, không chỉ Mỹ mà các nhà đầu tư cũng phải chờ đợi đến cuộc họp OPEC+ vào ngày 3/8 sắp tới để nắm bắt bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách sản lượng của nhóm.
Dầu cọ dẫn đầu đà giảm nhóm Nguyên liệu công nghiệp
Tâm điểm của nhóm Nguyên liệu công nghiệp là việc giá bông duy trì đà giảm 5 tuần liên tiếp và mức giảm mạnh của dầu cọ, do nới lỏng nguồn cung tại các nước xuất khẩu chính.
Giá bông có tuần giảm thứ 5 liên tiếp do chất lượng mùa vụ bông tại Mỹ gia tăng tỷ lệ tốt – tuyệt vời so với tuần trước. Thêm vào đó, Trung Quốc dự kiếm giảm nhập khẩu 8 triệu kiện bông và bán hàng bông trong tuần kết thúc ngày 07/07 của Mỹ chỉ đạt 10.200 kiện, giảm 73% so với tuần trước và 68% so với mức trung bình 4 tuần, đều là những nhân tố gây áp lực lên giá trong tuần qua.
Dầu cọ dẫn đầu đà giảm của nhóm nguyên liệu công nghiệp, với mức giảm 13,69%, do lo ngại về việc nới lỏng nguồn cung từ 2 nước xuất khẩu hàng đầu là Indonesia và Malaysia. Cụ thể, Indonesia đang xem xét các quy định về thuế xuất khẩu dầu cọ và các biện pháp khuyến khích để nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và giải quyết lượng hàng tồn đọng sau lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này vào tháng 05. Trong khi đó, xuất khẩu dầu cọ tại Malaysia liên tục suy giảm, làm gia tăng lượng tồn kho và gây sức ép lên giá.
Hai mặt hàng cà phê cũng chung xu hướng giảm, trong đó, Arabica giảm hơn 9% và Robusta giảm gần 3%. Tiến độ thu hoạch được cải thiện tại các vùng trồng cà phê chính của Brazil đã giúp hạn chế phần nào lo ngại về thiếu hụt nguồn cung cà phê trong ngắn hạn, khi tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên sàn ICE US liên tục giảm về mức thấp nhất trong vòng 23 năm trở lại đây.
Lực bán áp đảo trên bảng giá nông sản
Các mặt hàng trong nhóm đậu tương chứng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Thông tin về mùa vụ Mỹ là yếu tố chính đã ảnh hưởng đến diễn biến giá trong tuần trước.
Trong báo cáo Cung - cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 07, cả hai số liệu xuất khẩu và ép dầu đậu tương niên vụ 22/23 của Mỹ đều bị cắt giảm so với dự đoán trước. Đây là nguyên nhân làm cho mức giảm tồn kho thực sự của niên vụ 22/23 không nghiêm trọng như dự đoán của thị trường.
Bên cạnh đó, mức tăng nhẹ của số liệu tồn kho đậu tương cuối niên vụ 21/22 của Mỹ cũng đã tác động gây sức ép đến giá. Đây là nguyên nhân khiến đậu tương không giữ được đà tăng trong tuần trước. Trong tuần này, đậu tương có thể sẽ giằng co trong khoảng 1.325 – 1.370 nếu không có thông tin nào ảnh hưởng quá mạnh đến diễn biến giá.
Lực bán cũng được thúc đẩy đối với ngô hợp đồng tháng 12 khi sụt giảm gần 3%, xoá đi hoàn toàn mức tăng của tuần trước đó. Cơ cấu cung cầu nới lỏng hơn tại Mỹ là yếu tố chính tạo áp lực lên giá trong tuần vừa qua.
Theo báo cáo Giao hàng xuất khẩu được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành vào đầu tuần, giao hàng ngô trong tuần thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, bán hàng luỹ kế từ đầu niên vụ cũng đang chậm hơn so với niên vụ trước đó. Nhu cầu tiêu dùng ngô Mỹ bị sụt giảm đã tác động làm giảm giá.
Ngoài ra, trong báo cáo WASDE mới nhất, tồn kho ngô Mỹ và thế giới niên vụ 22/23 đều được dự báo gia tăng so với báo cáo trước đó. Nguồn cung nới lỏng so với giai đoạn trước càng củng cố thêm lực bán đối với ngô trong tuần trước.
Cùng diễn biến với ngô, giá lúa mì hợp đồng tháng 9 cũng đóng tuần giao dịch vừa qua trong sắc đỏ. Đây cũng là tuần giảm mạnh nhất của mặt hàng này trong vòng hơn 10 năm trở lại đây. Kỳ vọng của thị trường về nguồn cung từ các nước xuất khẩu lớn trên thế giới là yếu tố gây áp lực lên giá mặt hàng này.
Trên thị trường nội địa, giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu tại Cảng Cái Lân trong sáng nay có xu hướng giảm 150 - 250 VND/kg so với tuần trước đó, dao động quanh mức 7.850 – 8.000 VND/kg. Trong khi đó, khô đậu tương Nam Mỹ duy trì ở mức tương đối ổn định đối với kỳ hạn tháng 8 và tháng 9, tăng nhẹ 50 – 100 VND/kg.