Đa dạng giỏ quà Tết
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2022, thị trường giỏ quà, bánh kẹo Tết đã trở nên sôi động hơn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng đại dịch, người tiêu dùng tiết kiệm trong chi tiêu nên xu hướng các giỏ quà Tết năm nay có sự thay đổi về hàng hóa, giá cả. Đặc biệt, những giỏ quà Tết với các sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam và có giá tầm trung được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Tại các siêu thị như Big C, hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+, giỏ quà Tết hàng nội, với các mặt hàng chính là bánh, kẹo, mứt, bia, rượu, trà, cà phê… thường dao động từ 250.000 - 1.000.000 đồng/giỏ tùy từng loại.
Những giỏ quà Tết với các sản phẩm xuất xứ trong nước ngày càng hấp dẫn người tiêu dùng |
Chị Hoàng Thị Loan (Khu Ngoại giao Đoàn, Hà Nội) chia sẻ, trước đây thường mua bánh, kẹo ngoại nhập về biếu Tết. Tuy nhiên, một phần do giá cả đắt, một phần lo ngại hàng ngoại nhập thường không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, nên mấy năm gần đây, tôi chuyển sang mua sản phẩm Việt Nam. Giá cả phải chăng, mẫu mã, chất lượng cũng đẹp và ngon hơn so với trước. Đặc biệt là hàng rõ nguồn gốc xuất xứ, nên rất yên tâm và tin tưởng.
Bên cạnh những giỏ quà bánh kẹo thì giỏ quà hoa quả cũng được nhiều người tìm mua, đặc biệt là nông sản "made in Vietnam". Giá của giỏ quà này dao động từ 300.000-600.000 đồng/giỏ tùy loại hoa quả, như: Bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam Canh, xoài Cát Chu, vú sữa Lò Rèn, roi đỏ An Phước, nho Ninh Thuận...
"Năm nào cũng thế, tôi đều chọn bưởi Diễn làm quà biếu Tết. Món quà bình dị nhưng thiết thực. Tôi thường tới tận vườn để hái, chọn từng quả vừa tươi ngon. Giá dao động từ 50.000-70.000 đồng/quả đối với gốc cỗi. Còn nếu đặt mua trước khoảng 2-3 tháng, giá mua tại vườn khoảng 30.000 - 45.000 đồng/quả" - anh Trần Huy Tú (Khu An bình City, Hà Nội) chia sẻ.
Không chỉ bánh kẹo, hoa quả, giỏ quà đặc sản các vùng miền như thịt trâu, thịt bò, thịt lợn gác bếp; lạp xưởng; gạo nếp nương Điện Biên; nấm hương rừng; miến dong; hành Lý Sơn ngâm chua; chả ốc ống tre Tuyên Quang… cũng được nhiều người quan tâm để làm quà biếu Tết.
Cùng lên "sàn" online
Báo cáo xu hướng tiêu dùng dịp Tết 2022 của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar cho thấy, người dân có xu hướng chủ động mua sắm sớm hơn thường lệ, đồng thời, hành vi mua sắm cũng có nhiều thay đổi. Nếu như trước đây các đại siêu thị thường là kênh hưởng lợi nhiều nhất từ việc chi tiêu cao trước Tết thì hiện nay kênh mua sắm online và các siêu thị nhỏ đã ghi nhận đà tăng trưởng tốt hơn và dự kiến sẽ tăng tốc vào Tết 2022. Nguyên nhân được cho là do người tiêu dùng lo sợ lây lan dịch Covid-19 nên hạn chế tới nơi đông người. Vì vậy, trong giai đoạn dịch Covid-19 từ năm 2021 đến nay, các siêu thị hay đơn vị kinh doanh đều chủ động thích ứng, đẩy mạnh mua bán online, phục vụ người tiêu dùng. Chỉ cần ngồi ở nhà và có 1 chiếc điện thoại thông minh hay máy tính đều có thể lựa chọn sản phẩm ưng ý, sau đó hàng sẽ ship (vận chuyển) đến tận nơi mà không tốn thời gian di chuyển. Hiện nay, trên các trang của hệ thống siêu thị Big C, Vinmart, Aeon, Co.opmart… các giỏ quà Tết cũng đã giới thiệu tràn ngập. Đặc biệt, để kích cầu tiêu dùng, các đơn vị này thiết kế nhiều giỏ quà đa dạng mẫu mã và giá cả, cùng với đó là quà tặng và ưu đãi đi kèm như: Áp dụng mức chiết khấu 5 - 8%, thậm chí, có siêu thị chiết khấu lên đến 15%, cùng với đó miễn phí giao hàng. Đặc biệt, các đơn vị này cũng đẩy mạnh bán hàng online qua tổng đài, website, Facebook, Zalo, Grabmart,…
Một số đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương cũng bày bán giỏ quà Tết trên các trang thương mại điện tử: Shopee, Lazada, Tiki…, với giá chỉ từ 150.000 - 1.200.000 đồng/giỏ quà, với nhiều chủ đề khác nhau tùy theo nhu cầu của khách.
Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh mua hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm trà trộn trong giỏ hàng Tết, người tiêu dùng nên chọn mua ở cửa hàng, thương hiệu uy tín. Riêng với mua quà Tết online, nên mua ngay trên website chính thức của công ty dịch vụ, hoặc các đơn vị sử dụng hotline và có địa chỉ showroom rõ ràng. |