Sau thời gian tăng mạnh từ đầu năm cho đến giữa tháng 4 giá cá tra nguyên liệu đã hạ nhiệt – đây là chu kỳ giá tăng kéo dài nhất. Tính đến ngày 11/8, cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL duy trì ổn định, hiện giá cá tra thịt trắng nguyên liệu dao động từ 21.500 – 23.000 đồng/kg tại tỉnh Vĩnh Long, An Giang, giảm 4.000 đồng/kg so với mức cao nhất vào hồi tháng 4/2017.
Nguyên nhân giá và lượng cùng chững lại, bởi sau khi tăng mạnh từ đầu năm người dân lo ngại giá cả và đầu ra không ổn định, nên tiến độ thả nuôi và thu hoạch thấp so với thời điểm cùng kỳ.
Theo Bộ NN&PTNT, 7 tháng đầu năm, diện tích cá tra của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 3.921,6 ha, giảm 5,4%, sản lượng thu hoạch ước đạt 729.700 tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ 2016. Tỉnh có diện tích nuôi lớn nhất là Đồng Tháp (1.688,31 ha), thu hoạch được 250.900 tấn vẫn có sự tăng trưởng tốt, sản lượng tăng 14,2% so với cùng kỳ để bù cho sự giảm sút của các tỉnh như An Giang có sản lượng 194.400 tấn (giảm 3,9%), Cần Thơ có sản lượng 80.700 tấn (giảm 4,6%), Bến Tre có sản lượng 104.600 tấn (giảm 12,6%).
Về xuất khẩu, hiện cá tra Việt Nam xuất khẩu sang 140 thị trường trên thế giới, tổng giá trị năm 2016 đạt hơn 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên, con cá tra vẫn chịu nhiều trắc trở bởi những rào cản kỹ thuật khi thâm nhập vào các thị trường lớn. Thị trường Mỹ và Châu Âu tới đây dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, do mặt hàng này đang chịu cạnh tranh gay gắt bởi cá thịt trắng, cá rô phi… từ các nước khác. Điều này đã buộc các doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Brazil, Mexico, Colombia, Saudi Arabia và Nhật Bản.
Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù mặt hàng cá tra đang gặp khó ở thị trường Mỹ do những vấn đề liên quan đến Farm Bill nhưng Trung Quốc đã thay thế Mỹ để trở thành thị trường tiêu thụ cá cá lớn nhất của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu tăng ở một số thị trường khác đã giúp giá trị xuất khẩu cá tra 7 tháng đầu năm đạt 985 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ tiếp tục soán ngôi vị đứng đầu thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017, tuy nhiên tốc độ xuất khẩu cá tra sang thị trường này lại giảm 5,7% so với cùng kỳ, kim ngạch chỉ đạt 176,4 triệu USD, tính riêng quý II/2017 kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng 8,4%. Theo báo cáo của VASEP cho biết, nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ suy giảm do thuế chống bán phá giá tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp không thể thâm nhập được vào thị trường này, chứ không phải do quy định mới của FSIS. Thực tế, hiện vẫn có 14 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra vào Mỹ, nhưng chỉ có 3 doanh nghiệp xuất khẩu chính sang thị trường này với khối lượng và giá trị đáng kể là Vinh Hoan Corp, Hung Vuong Corp và Bien Dong Seafood do thuế chống bán phá giá cao.
Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã quyết định áp dụng việc kiểm tra sản phẩm tra cá tra nhập khẩu từ Việt Nam sớm hơn so với kế hoạch ban đầu một tháng, tức từ ngày 2/8/2017 thay vì chờ đến ngày 1/9/2017 như thông báo trước đó. Sau 1 tuần khi quyết định này có hiệu lực, nhìn chung tình hình xuất khẩu cá tra vào Mỹ vẫn bình thường và chưa có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp liên quan về quy định mới của Mỹ. VASEP cho biết đến nay vẫn chưa thấy doanh nghiệp phản ánh đến hiệp hội những vướng mắc, khó khăn liên quan đến quy định mới FSIS. Vấn đề quan tâm nhất của phía Việt Nam là đưa hàng vào Mỹ có bị kẹt hay không, nhưng hiện nay vẫn chưa nghe doanh nghiệp phản ánh gì.
Đối với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu sang thị trường này liên tục tăng cao. Hiện có gần 40 doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc thông qua cửa khẩu cảng Cát Lái (TP.HCM), cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Móng Cái- Quảng Ninh); cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn); cửa khẩu Nà Lạn và Tà Lùng (Cao Bằng).
Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thị trường Trung Quốc tăng mạnh, trong đó tôm và cá tra là hai sản phẩm có giá trị nhập khẩu từ Việt Nam cao nhất. Tuy nhiên, những năm gần đây, sức tăng trưởng nhập khẩu cá tra tại thị trường này tăng rất nhanh, cá tra đã dần trở thành món ăn ưa thích. Chỉ tính riêng trong 2 năm (2015 – 2016), giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc tăng gần 2 lần. Những tháng đầu năm 2017, Trung Quốc tiếp tục là điểm đến và thị trường chuyển hướng tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Triển vọng xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc thời gian tới đang có tín hiệu tích cực khi mà Chính phủ Trung Quốc đang siết lại nhập khẩu hàng qua biên mậu và tăng cường chính ngạch. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và room xuất khẩu sang thị trường này là khá lớn. Dự báo, trong thời gian tới, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng từ 25 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần thận trọng hơn khi đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Nhật Bản cũng là một trong những thị trường tiềm năng xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam, hiện nay mỗi năm có hơn 1.500 tấn cá tra nướng của Việt Nam đạt chuẩn vào hệ thống siêu thị AEON tại Nhật, mang về cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt nam hơn 9 triệu USD. Tuy nhiên, việc xuất khẩu cá tra vào Nhật Bản cũng không hề dễ dàng do các đối tác từ thị trường này yêu cầu chất lượng rất cao. Theo đó, phía Nhật kiểm soát cả quá trình nuôi cá, từ khâu chọn con giống đến khâu chăm sóc, thu hoạch, chế biến… đều phải theo công thức của phía Nhật. Khi hợp đồng xuất khẩu sang Nhật chưa lớn, việc phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt của đối tác khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Như vậy, trước những tác động cũng như thách thức tới đây, đã đến lúc các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cần phải bắt tay nhau cùng hợp tác, chia sẻ với người nuôi trong chuỗi giá trị; hợp tác cùng với nhà nước xây dựng thương hiệu cho con cá tra Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tập trung khai thác thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân, dư địa còn rất lớn thông qua phương thức đưa sản phẩm cá tra vào hệ thống các siêu thị, kênh bán lẻ trực tuyến vốn lâu nay chưa được chú trọng.