Chuyện gì đang xảy ra với thị trường bông? |
Pakistan là quốc gia sản xuất bông lớn thứ 5 thế giới với 5% thị phần tính tới cuối tháng 7/2022. Tuy nhiên, lũ lụt lan rộng trong mùa hè vừa qua đã tàn phá mùa màng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng bông của quốc gia này.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã dự kiến sản lượng bông của Pakistan sẽ giảm 38% từ tháng 8/2022 đến tháng 7/2023 xuống còn 3,7 triệu kiện - mức thấp nhất trong 40 năm.
Tại Mỹ- quốc gia chiếm 15% sản lượng bông toàn cầu. Do ảnh hưởng của hạn hán từ mùa xuân năm ngoái tại bang Texas- địa điểm sản xuất bông lớn của Mỹ, USDA ước tính, sản lượng bông toàn quốc sẽ giảm 16% xuống còn 14,68 triệu kiện.
Thị trường bông sẽ tăng giá? |
Bên cạnh đó, Ấn Độ- quốc gia chiếm 21% thị phần bông trên toàn cầu đã áp đặt các hạn chế vào năm ngoái đối với xuất khẩu lúa mì, đường và các sản phẩm nông nghiệp khác để đảm bảo nguồn cung trong nước và giữ giá ổn định. Theo các nhà phân tích, mặc dù bông không được đưa vào các biện pháp này nhưng không loại trừ trường hợp có động thái tương tự với mặt hàng bông.
Những diễn biến trên khiến các nhà quan sát lo ngại thị trường bông sẽ tăng giá trong thời gian tới. Mặt khác, lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt ở châu Âu và Mỹ, Trung Quốc dần nới lỏng chính sách Zero Covid là những yếu được dự báo sẽ giúp nền kinh tế thế giới có khả năng thoát khỏi suy thoái nghiêm trọng, tiêu dùng ấm dần lên, nhu cầu với các mặt hàng, trong đó có dệt may tăng lên. Điều này cũng góp sức tăng nhu cầu, tăng giá mặt hàng bông.
Sản xuất sợi là một ngành sản xuất quan trọng, đứng trong số ngành hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam. Thị trường bông có khả năng tăng giá sẽ ảnh hưởng tới đầu vào của sản xuất sợi trong nước. Hiện doanh nghiệp sản xuất sợi trong nước đang bám sát nhằm phán đoán chính xác diễn biến thị trường để mua vào đúng thời điểm.