Thị phần logistics rơi vào tay doanh nghiệp ngoại
Hầu hết thiết bị bốc xếp container của DN logistics Việt Nam đã lạc hậu.
- Mới đây, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa ra mức giá sàn dịch vụ tại các cảng biển để tránh tình trạng loạn giá. Kiến nghị này được xem là tình trạng “gà nhà đá nhau” giữa các DN logistics Việt Nam, trong khi DN nước ngoài đang dần chiếm lĩnh thị phần.
Thua trên sân nhà
Ông Trần Huy Hiền, Tổng Thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (Viffas), cho biết: “Từ đầu năm 2010, các tập đoàn kinh doanh dịch vụ giao nhận quốc tế đã lần lượt đầu tư vào Việt Nam và dần chiếm lĩnh thị trường. Theo bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 53/155 quốc gia về phát triển logistics với nguồn thu khoảng 15%-20% GDP. Tuy nhiên, ngành logistics Việt Nam đang bị hụt hơi trước sự cạnh tranh khốc liệt của các DN nước ngoài”.
Cũng theo ông Hiền, trong số các DN trong nước đang cung cấp dịch vụ giao nhận kho vận thì chỉ có khoảng 10% có khả năng hoạt động logistics. Hầu hết các DN này phải liên doanh với đối tác nước ngoài để tận dụng mạng lưới giao nhận, kho bãi, trình độ công nghệ…
“Các công ty cung ứng dịch vụ logistics của Việt Nam chỉ đáp ứng các dịch vụ đơn giản, giao nhận tuyến ngắn với trình độ công nghệ, thiết bị thô sơ. Hầu hết các DN chỉ cung cấp một hoặc vài dịch vụ như giao nhận, kho bãi, dịch vụ hải quan... Điều này sẽ khiến việc lưu thông hàng hóa bị chậm trễ, chủ hàng phải thuê qua nhiều đại lý mới thông quan được hàng hóa” - đại diện hãng tàu NYK LINE Việt Nam cho biết.
Thực tế, hệ thống kho tàng bến bãi của các DN cung ứng dịch vụ logistics trong nước chưa đáp ứng nhu cầu. Nhiều kho bãi đã cũ kỹ, lạc hậu, không bảo quản chất lượng hàng hóa, thiếu thiết bị bốc xếp chuyên dùng. Trong khi đó, các công ty nước ngoài đã ồ ạt tung vốn để giành thị phần. Chỉ tính riêng khu vực cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải đã xuất hiện nhiều liên minh giữa các “ông lớn” về logistics. Các công ty liên doanh này vừa xây dựng cảng biển, vừa cung ứng các dịch vụ về logistics với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại.
Gà nhà đá nhau
Logistics là một tổng thể bao gồm nhiều lĩnh vực hoạt động, trong đó ngoài các hoạt động bao trùm như: giao thông vận tải đường biển, đường sắt, hàng không, đường thủy, kho bãi, giao nhận, dịch vụ hàng hải… còn gồm cả các hoạt động hỗ trợ như: cảng biển, hải quan, xuất nhập khẩu, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm định…
Theo nhận định của Viffas, trong khi thị phần logistics đang dần rơi vào tay các công ty nước ngoài thì DN logistics Việt Nam lại quay sang “đá nhau” bằng cách cạnh tranh chụp giật. “Để giành giật khách, nhiều DN đã tự ý phá giá. Hiện mức giá dịch vụ logistics Việt Nam đang ở mức thấp so với khu vực” - ông Hiền cho biết.
Ông Hồ Kim Lân, Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, nói: “Chi phí tối thiểu cho việc bốc dỡ container dao động từ 60 đến 70 USD/container loại 20 feet nhưng tại một số cảng, DN logistics Việt Nam chỉ thu hơn nửa với hơn 30 USD/container. Phí lưu kho bãi cũng bị hạ xuống mức thấp khiến nhiều công ty đầu tư xây cảng thất thu. Hiện các kho bãi ở cảng đang trống do thiếu hàng nên các DN tự ý hạ giá nhằm lấp đầy khoảng trống”.
Việc các DN logistics trong nước “chọi nhau” sẽ tạo điều kiện cho các hãng tàu nước ngoài lợi dụng làm giá. Các hãng tàu này đưa ra mức thu cước phí cao với chủ hàng nhưng chỉ trả một khoản rất ít cho các DN cung ứng dịch vụ logistics. “Trước đây, các hãng tàu phải đóng một khoản phí lưu container rỗng nhưng khi nguồn hàng khan hiếm thì DN cung ứng logistics loại bỏ khoản phí này. Họ chỉ nhận được phí bốc dỡ container từ tàu xuống cảng. Phía hãng tàu nước ngoài sẽ hưởng được khoản hời béo bở này. Thậm chí nhiều hãng tàu còn yêu cầu giảm phí bốc dỡ mới thuê làm hàng” - một đại diện Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải cho biết.
Theo Pháp luật TPHCM