Cà phê là một trong những đồ uống được tiêu thụ rộng rãi nhất trên thế giới. Theo Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), niên vụ 2020/21, khoảng 167,3 triệu bao (60 kg) cà phê được tiêu thụ trên toàn cầu, tăng so với 164,1 triệu bao niên vụ 2019/2020.
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của 5 thị trường lớn ở mức thấp |
Còn theo báo cáo nghiên cứu thị trường, giai đoạn 2021 – 2025, thị trường cà phê toàn cầu tăng trưởng bình quân 7,6%. Các yếu tố thúc đẩy thị trường cà phê phát triển như gia tăng dân số tiêu thụ cà phê ngoài gia đình, đô thị hóa nhanh chóng, tăng doanh số bán lẻ thương mại điện tử, tăng thu nhập thế hệ Z, tăng sở thích cà phê hòa tan, nhu cầu ngày càng tăng đối với cà phê đặc sản và tăng tiêu thụ cà phê nhân ở các nền kinh tế mới nổi dự kiến sẽ thúc đẩy thị trường.
Năm 2021, nhập khẩu cà phê của 5 thị trường hàng đầu thế giới tăng. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), nhập khẩu cà phê của các thị trường Hoa Kỳ, Đức, Pháp giảm từ Việt Nam; Ý tăng nhẹ; Canada tăng 44,9%. Nhìn chung, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của các thị trường Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Canada vẫn ở mức thấp.
Cụ thể, năm 2021, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ chiếm 4,02%; Đức chiếm 9,37%; Pháp chiếm 1,24%; Canada chiếm 1,29% và Nhật Bản chiếm 14,38%.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, năm 2022, Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng xuất khẩu sang các thị trường trên. Để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành cà phê cần chú trọng đến khâu truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực sản xuất. Cơ cấu xuất khẩu cà phê của Việt Nam có sự thay đổi, giảm xuất khẩu cà phê nhân thô, đẩy mạnh khâu chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan. Hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục được chú trọng, giúp quảng bá và kết nối sản phẩm cà phê của Việt Nam ra thị trường thế giới.