Tuy nhiên, “bức tranh” không chỉ có màu hồng, bởi muốn tận dụng tốt cơ hội, các DN trong ngành chế biến, XK gỗ còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là đảm bảo tính hợp pháp trong nguồn gốc gỗ nguyên liệu.
Tăng trưởng 10-15%/năm
Theo nghiên cứu được công bố mới đây do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, tổ chức Forest Trends và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM phối hợp cùng thực hiện: Hoa Kỳ là thị trường XK quan trọng nhất của ngành gỗ, với kim ngạch hàng năm lên tới trên 2 tỷ USD, chiếm trên 30% trong tổng kim ngạch XK các mặt hàng gỗ của Việt Nam. Hiện, kim ngạch XK các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào thị trường này tiếp tục được mở rộng, với mức tăng trưởng bình quân 10-15%/năm. Ông Tô Xuân Phúc, tổ chức Forest Trends đánh giá: Đây là những tín hiệu khá tích cực cho ngành chế biến gỗ XK của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kim ngạch XK các mặt hàng gỗ vào thị trường lớn EU có dấu hiệu chững lại, thậm chí tụt giảm tại một số quốc gia thành viên trong khối.
Đi sâu phân tích các mặt hàng có thể thấy: Hàng năm, Việt Nam XK khoảng 20 loại mặt hàng thuộc nhóm gỗ HS 44 sang Hoa Kỳ, với kim ngạch XK thu được khoảng trên dưới 100 triệu USD, chiếm khoảng dưới 5% trong tổng kim ngạch XK. Các mặt hàng thuộc nhóm sản phẩm gỗ HS 94 được XK sang Hoa Kỳ đa dạng hơn nhiều so với các sản phẩm thuộc nhóm HS 44. Cụ thể, kim ngạch XK đạt được từ nhóm sản phẩm gỗ HS 94 cao hơn khoảng 10 lần kim ngạch của các mặt hàng nhóm gỗ HS 44, chiếm trên 95% trong tổng kim ngạch XK các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ. Điểm chung của các mặt hàng XK này là, hầu hết các loài gỗ trong các sản phẩm XK là gỗ có nguồn gốc từ NK từ các nguồn có tính hợp pháp rõ ràng như từ Hoa Kỳ, EU và một số nước châu Mỹ La Tinh. Tuy nhiên, cũng có một số sản phẩm được làm từ gỗ có nguồn gốc từ các khu vực rừng tự nhiên nhiệt đới.
Theo ông Tô Xuân Phúc, việc Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết mà Việt Nam và Hoa Kỳ là thành viên tiếp tục mở ra cơ hội hợp tác cho cả hai quốc gia trong thương mại gỗ trong thời gian tới.
Tại thị trường Nhật Bản, tình hình cũng khá khả quan khi tốc độ tăng trưởng về kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong giai đoạn 2013-2015 đạt bình quân khoảng 13%/năm. Các mặt hàng XK quan trọng nhất của Việt Nam vào Nhật Bản bao gồm dăm gỗ, đồ nội thất phòng ngủ, đồ gỗ ngoài trời, ghế gỗ và đồ nội thất văn phòng.
Một số chuyên gia nhìn nhận: Hiệp định TPP, trong đó Nhật Bản là một trong những quốc gia thành viên sẽ tạo cơ hội lớn cho các DN ngành gỗ gia tăng thị phần tiêu thụ các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Bên cạnh đó, những thay đổi về chính sách có liên quan đến sản phẩm gỗ tại Nhật Bản gần đây cũng đang tạo ra những cơ hội lớn cho ngành công nghiệp chế biến gỗ XK của Việt Nam.
Đừng quá lạc quan
Mặc dù nhìn nhận còn nhiều cơ hội thúc đẩy XK gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, tuy nhiên theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành gỗ Việt không nên quá lạc quan. “Hoa Kỳ là thị trường lớn nhưng phải nhìn rõ bản chất vấn đề vì sao XK lại tăng. Thực tế là, những năm gần đây Hoa Kỳ đánh thuế chống bán phá giá rất cao đối với các sản phẩm gỗ của Trung Quốc XK vào Hoa Kỳ nên nhiều DN Trung Quốc đã dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, tranh thủ cơ hội XK. Ngoài ra, cũng phải nhấn mạnh rằng, XK sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ nhiều quá cũng giống như bỏ nhiều trứng vào cùng một giỏ. Điều này có thể khiến nảy sinh nguy cơ, một ngày nào đó Hoa Kỳ sẽ áp thuế chống bán phá giá với gỗ Việt nhằm bảo vệ ngành gỗ trong nước”, ông Hoài nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Đạo luật Lacey của Hoa Kỳ có hiệu lực năm 2008 quy định các hoạt động buôn bán các sản phẩm gỗ được khai thác, vận chuyển hoặc thương mại trái phép tại quốc gia XK vào Hoa Kỳ được coi là hoạt động phạm pháp. Để tránh rủi ro về pháp lý trong việc tiêu thụ các sản phẩm gỗ tại Hoa Kỳ, DN cần đảm bảo các sản phẩm gỗ, bao gồm cả nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào là hợp pháp. Trong khi nguồn gỗ nguyên liệu được NK từ các nước trong khối EU, Hoa Kỳ và Mỹ la tinh thông thường có rủi ro rất thấp và đáp ứng được các yêu cầu về nguồn gỗ nguyên liệu từ thị trường Hoa Kỳ thì các sản phẩm được làm từ các loài gỗ có nguồn gốc từ các khu rừng nhiệt đới như căm xe, tếch, xà cừ được khai thác từ các quốc gia trong Tiểu vùng sông Mê Kông lại khó có khả năng đáp ứng được với các yêu cầu của Đạo luật Lacey. Đây là các rủi ro mà các DN trực tiếp tham gia XK gỗ và sản phẩm gỗ nói riêng và cả ngành gỗ nói chung phải đối mặt.
Tương tự như vậy, ở thị trường Nhật Bản, Chính phủ Nhật bản cũng có những quy định nhằm đảm bảo các sản phẩm gỗ được tiêu thụ tại thị trường này là hợp pháp. Trên thực tế, các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam XK sang Nhật Bản nhìn chung đều đáp ứng được các yêu cầu và quy định của thị trường này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại một số vấn đề có liên quan đến tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu trong sản phẩm XK như một số DN chưa khai báo nguồn gốc và loài gỗ sử dụng trong sản phẩm XK, hoặc sử dụng một số loài gỗ từ các nguồn được cho là có tính rủi ro cao.
“Cơ hội XK vào thị trường Nhật Bản không chỉ dành riêng cho DN Việt Nam mà được chia đều cho DN của các quốc gia như Trung Quốc, EU, Malaysia, Philippines… hiện đang trực tiếp tham gia vào thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, các DN của Việt Nam cũng phải cạnh tranh với các đối thủ tiềm năng như Thái Lan và Myanmar. Điều này đòi hỏi các DN Việt Nam phải tiếp tục duy trì hình ảnh sản phẩm gỗ hợp pháp, bền vững và đáng tin cậy khi tham gia thị trường. Ngoài sự nỗ lực của bản thân DN, các hiệp hội gỗ cần tiếp tục xác định những vấn đề cụ thể về cơ hội và rủi ro, từ đó đưa ra các kiến nghị chính sách và các cơ chế cụ thể cho DN, đảm bảo sản phẩm XK sang thị trường Nhật Bản sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào hợp pháp và bền vững”, ông Phúc đề xuất.