Nhiều giải pháp được triển khai
Theo Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong thời gian qua, Tổ công tác liên ngành 689 Trung ương đã triển khai các kế hoạch, tổ chức các đoàn công tác để kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại các địa phương. Phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời, tổ chức 10 đợt động truyền thông về khai thác IUU đến với cộng đồng ngư dân ven biển và các thành phần liên quan (1.500 người) để hiểu về hoạt động khai thác IUU, cũng như hệ quả mang lại nếu vi phạm khai thác IUU, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, không vi phạm.
Nâng cao nhận thức và hành vi khai thác hải sản cho ngư dân |
Để chuẩn bị triển khai Luật Thủy sản có hiệu lực từ năm 2019, Tổng cục Thủy sản đã tập trung nguồn lực, phối hợp với các đơn vị liên quan, tham khảo ý kiến của EC trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật theo kế hoạch được phê duyệt. Đến nay, đã hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ xem xét ban hành 2 nghị định hướng dẫn luật, trình Bộ trưởng xem xét, ký ban hành 8 thông tư theo kế hoạch được phê duyệt….
Lùi thời hạn kiểm tra
Đánh giá về kết quả khắc phục “thẻ vàng”, ông Nguyễn Ngọc Oai - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - cho hay: Sau khi có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành để ngăn chặn và khắc phục cảnh báo thẻ vàng của EC đối với thủy sản Việt Nam, tình trạng tàu khai thác trái phép ở vùng biển các nước đã giảm đáng kể. Công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác tiếp tục triển khai đáp ứng yêu cầu của EC, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu hải sản của các doanh nghiệp vào thị trường châu Âu.
Ông Nguyễn Ngọc Oai chia sẻ:, Dự kiến, trong tháng 1/2019, phái đoàn của EC sẽ sang Việt Nam để đánh giá lại một lần nữa kết quả của Việt Nam đã đạt được trong việc khắc phục thẻ vàng. Sau đó, EC sẽ xem xét có hay không việc gỡ “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện EC đã cơ bản đồng thuận với những gì mà Việt Nam triển khai, đạt được. Do đó, thay vì tháng 1/2019, EC lùi thời hạn kiểm tra sang tháng 4/2019, khi Luật Thủy sản và một số văn bản quy phạm phát luật liên quan chính thức đi vào thực thi. Đây là khoảng thời gian quan trọng để tiếp tục củng cố và hoàn thiện công tác khắc phục “thẻ vàng.
Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đào tạo nguồn nhân lực trong quản lý, nâng cao nhận thức và hành vi khai thác hải sản cho cộng đồng ngư dân, nhằm phát triển khai thác hải sản có trách nhiệm... |