Ảnh minh họa |
Vụ việc khởi nguồn từ đơn kiện của Công ty Thailand German Products và Công ty Puerto The Millennium. DFT cho rằng, sau khi xem xét, cơ quan này sơ bộ thấy có dấu hiệu hàng hóa bị bán phá giá và gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa đối với sản phẩm ống thép không gỉ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2015, Việt Nam xuất khẩu sắt thép các loại vào Thái Lan đạt 192.188 tấn, trị giá trên 148 triệu USD; sản phẩm từ sắt thép trị giá 50,6.triệu USD. Ông Phạm Chí Cường-nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA)- nhận định: Là một trong những thị trường XK lớn của tôn, thép Việt trong khu vực Đông Nam Á, việc liên tiếp bị Thái Lan kiện chống bán phá giá sẽ ảnh hưởng nhất định đến luồng hàng XK của Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Cường khẳng định, việc Indonesia, Malaysia hay Thái Lan kiện chống bán phá giá đã được chính các nước này cảnh báo từ lâu. Tuy nhiên, không phải cứ kiện là chịu thua, vì doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã biết thuê các chuyên gia tư vấn và biết phối hợp với chính các đối tác nhập khẩu để cùng "chiến đấu" với các nhà sản xuất trong nước của Thái Lan. Việc quan trọng nhất hiện nay là các doanh nghiệp phải trả lời công khai minh bạch các câu hỏi của Thái Lan. Càng minh bạch, rõ ràng và nhiều chứng cứ thì phía Thái Lan khó có thể thắng được.
Bà Nguyễn Chi Mai- Trưởng Phòng xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương)- cho hay, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ tham vấn cho doanh nghiệp khi có thắc mắc hoặc tham gia vào công tác vận động hành lang, vận động qua con đường ngoại giao. Giai đoạn điều tra này chỉ đơn thuần về kỹ thuật. Sau này, các cơ quan của Chính phủ sẽ xem xét phía Thái Lan có điều tra đúng theo quy định của WTO hay không, có đánh giá số liệu khách quan, công bằng? Nếu không đúng, Chính phủ sẽ có hành động để bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam theo đúng quy định của WTO.
Dù thế nào đi chăng nữa, doanh nghiệp Việt cũng không thể không chủ động tự bảo vệ mình!