Xuất khẩu thủy sản: Triển vọng từ thị trường Trung Quốc Cơ hội lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt vào Trung Quốc |
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng thủy sản cả nước trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt 2,42 tỷ USD, giảm nhẹ 0,9% so với cùng kỳ. Hiện tại Nhật Bản là thị trường đứng đầu về nhập khẩu thủy sản của Việt Nam với tỷ lệ chiếm 17%, kế đến là Mỹ chiếm 15,9%, EU chiếm 15,6%, Trung Quốc chiếm 11%...
Thống kê cũng cho thấy, bên cạnh tăng trưởng ở một số thị trường như Ukraine tăng 116,5%, đạt 7,11 triệu USD; Iraq tăng 26%, đạt 3,7 triệu USD; Mexico tăng 31,5%, đạt 46,9 triệu USD thì xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm nay sang đa số các thị trường đều sụt giảm mạnh, trong đó phải kể tới Saudi Arabia (giảm 98,7%), Pakistan (giảm 80%), CH Séc (giảm 42,7%)…
Xuất khẩu thủy sản được dự báo có nhiều khởi sắc trong các tháng tới |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, xuất khẩu trong các tháng đầu năm nay có sự sụt giảm do rào cản thương mại, chống bán phá giá tôm - cá tra từ thị trường Mỹ, chính sách kiểm soát chặt đường biên mậu của Trung Quốc, hay những yêu cầu ngày càng khắt khe từ chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng thế giới…
Dù vậy, ông Hòe cho rằng, trong quý II và các tháng tới xuất khẩu có thể sẽ có khởi sắc hơn. Lý do, tại các thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU hay Trung Quốc thì mặt hàng thủy sản của Việt Nam đều có lợi thế nhất định. Đơn cử là Trung Quốc - một thị trường truyền thống của thủy sản Việt Nam vừa công bố phê duyệt 33 mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào nước này được miễn thuế nhập khẩu với mức thuế cơ bản là 0% theo khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc. “Lâu nay doanh nghiệp (DN) vẫn làm ăn với Trung Quốc rồi nhưng công bố này sẽ là cơ sở tạo niềm tin vững hơn để DN mạnh dạn đưa hàng đi chính ngạch, giảm rủi ro trong thanh toán”, ông Hòe khẳng định.
Tại thị trường Mỹ, việc Bộ Thương mại nước này công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ đợt POR13 cho tôm Việt Nam trong giai đoạn 01/02/2017 đến ngày 31/01/2018 là 0% cũng là một động lực lớn cho DN đàm phán hợp đồng, thương thảo theo hướng có lợi hơn trong thời gian tới. Ngoài ra, các thị trường nội khối CPTPP như Nhật Bản, Canada… được dự báo sẽ tăng kim ngạch mạnh bởi hiệp định này đã có hiệu lực từ đầu năm nay.
Bà Nguyễn Thị Ánh - Giám đốc Công ty Thủy sản Sông Tiền (SOTICO) - cho biết, năm 2019, SOTICO vẫn xuất hàng đều đặn đi châu Âu và Trung Quốc với khoảng chục container cá tra đông lạnh mỗi tháng. Đặc biệt với Trung Quốc nếu như trước đây chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch thì gần đây SOTICO đã đàm phán với đối tác nước này ký hợp đồng chính ngạch nhằm tránh bị ép giá và có kế hoạch sản xuất.
Đại diện Nhà máy thủy sản CP Bến Tre cho hay, trong năm nay sản lượng cá tra đông lạnh của nhà máy này xuất đi Nhật dự kiến cũng tăng 50% do đối tác nhập khẩu đặt hàng tăng hơn. Tuy nhiên, để làm ăn lâu dài với Nhật Bản nhà máy này đã phải cải thiện rất quyết liệt những quy trình nuôi trồng, chế biến và đóng gói theo đúng yêu cầu của đối tác.
Theo ông Trương Đình Hòe, cùng với những tín hiệu lạc quan, ngành thủy sản đang tập trung các giải pháp cho từng ngành hàng và thị trường để đạt mục tiêu đề ra trong năm nay. Chẳng hạn với thị trường, VASEP xác định năm 2019 là năm cho thị trường châu Âu do đó sẽ tổ chức truyền thông quảng bá hình ảnh cá tra cũng như khuyến cáo DN sản xuất theo đúng các quy chuẩn của thị trường này. Còn với ngành hàng như tôm, VASEP khuyến cáo DN tiếp tục cải thiện các vấn đề chế biến, nâng tỷ lệ chế biến có giá trị gia tăng đáp ứng các chương trình của những thị trường khác nhau.