Myanmar hạn chế xuất khẩu tất cả các loại gạo từ đầu tháng 9/2023 Sau lệnh cấm ngày 20/7, Ấn Độ tiếp tục áp thuế 20% với gạo đồ xuất khẩu |
Đã xuất khẩu 5,35 triệu tấn gạo
Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường từ 20/7 đã làm thị trường gạo thế giới chao đảo. Nhưng mới đây, quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới này lại tiếp tục áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ từ ngày 26/8.
Động thái trên có thể làm giảm lượng gạo xuất khẩu từ Ấn Độ, đồng thời đẩy giá gạo toàn cầu - vốn đang cao nhất trong vòng 12 năm qua - tăng thêm.
Trước đó, thị trường gạo toàn cầu nhận thêm tin xấu khi Liên đoàn gạo Myanmar cho hay nước này sẽ tạm thời hạn chế xuất khẩu gạo trong khoảng 45 ngày, kể từ cuối tháng 8/2023, trong bối cảnh giá gạo nội địa tăng cao.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, Myanmar là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 5 thế giới, với hơn 2 triệu tấn mỗi năm.
Chỉ trong 15 ngày đầu tháng 8/2023, nước ta thu về 266 triệu USD từ xuất khẩu gạo (Ảnh minh hoạ) |
Các chuyên gia và thương nhân gạo quốc tế nhận định, giá gạo thế giới có thể tiếp tục tăng. Bởi, lượng gạo tồn kho trên toàn cầu vốn ở mức thấp, Ấn Độ (quốc gia chiếm hơn 40% xuất khẩu gạo thế giới) và Nga, UAE lại cấm xuất khẩu gạo.
Thế nên, ở thời điểm này, bất cứ động thái nào liên quan đến việc hạn chế xuất khẩu gạo cũng khiến nguồn cung gạo toàn cầu thêm thắt chặt, đẩy giá mặt hàng này lên cao.
Thực tế cho thấy, sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo từ 20/7, giá loại lương thực này tại vựa lúa gạo châu Á đã tăng lên cao nhất trong vòng 15 năm. Giá gạo Việt Nam và Thái Lan lập đỉnh lịch sử.
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam trong ngày 25/8 ở mức 638 USD/tấn, tăng 105 USD/tấn so với ngày 19/7 (thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu). Gạo cùng loại của Thái Lan giao dịch ở mức 628 USD/tấn, tăng 87 USD/tấn.
Giá gạo 25% tấm của Việt Nam cũng từ mức 513 USD/tấn (19/7) vọt lên 623 USD/tấn (25/8), hàng cùng loại của Thái Lan từ 502 USD/tấn tăng lên mức 565 USD/tấn.
Hiện, giá gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam đứng đầu thế giới, bỏ xa giá gạo Thái Lan.
Thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, đến hết ngày 15/8, nước ta đã xuất khẩu 5,35 triệu tấn gạo, thu về 2,88 tỷ USD, tăng 22,1% về lượng và tăng 34,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/8, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, khi Ấn Độ và một số nước cấm xuất khẩu gạo, các nước tăng nhập mặt hàng này của Việt Nam. Nhiều thị trường như Trung Quốc, Philippines, Indonesia đang tranh mua gạo Việt với số lượng tăng 40% đến vài chục lần.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, đây là thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, tăng thu nhập cho người nông dân trồng lúa ở nước ta.
Vậy, từ nay đến cuối năm, Việt Nam còn bao nhiêu gạo để xuất khẩu?
Theo tính toán từ Bộ NN-PTNT, năm 2023 nước ta có thể xuất khẩu khoảng 7,5-8 triệu tấn gạo. Trừ số gạo đã xuất khẩu 5,35 triệu tấn, Việt Nam còn khoảng 2,15-2,65 triệu tấn gạo các loại để xuất khẩu từ nay đến cuối năm.
Việc gieo cấy vụ Thu Đông ở ĐBSCL của nước ta đang được đẩy mạnh, diện tích ước tính tăng 50.000ha so với năm ngoái. Đồng nghĩa, nguồn cung gạo cho xuất khẩu sẽ tăng và có thể thu về thêm 100 triệu USD trong năm nay.
Doanh nghiệp ngừng mua lúa, không dám ký đơn mới
Theo một chuyên gia ngành lúa gạo, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang trì hoãn đơn hàng hoặc đàm phán với khách hàng để điều chỉnh tăng giá hoặc hủy hợp đồng. Song, với giải pháp đàm phán tăng giá, phần lớn khách hàng không đồng ý bởi giá gạo Việt Nam đang cao hơn cả Thái Lan, Mỹ và đứng đầu thế giới.
Trao đổi với PV. VietNamNet về xu hướng giá gạo trên thị trường thế giới cũng như giá gạo Việt xuất khẩu, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An - thừa nhận, động thái mới của Ấn Độ và thông tin Myanmar hạn chế xuất khẩu gạo có thể sẽ ảnh hưởng tới giá loại lương thực này trên thị trường thế giới, nhưng với Việt Nam thì không.
Giá lúa tại thị trường nội địa quá cao so với giá xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp tạm dừng mua hàng (Ảnh: Hồ Hải Hoàng). |
Theo ông Bình, gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có giá 638 USD/tấn - mức rất cao so với ngưỡng người tiêu dùng thế giới có thể chấp nhận. Philippines, Indonesia hay các quốc gia nhập khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đều chịu mức giá cao. Họ gần như không thể chấp nhận mua với giá 670-680 USD/tấn.
Trong khi đó, giá thu mua lúa tại thị trường nội địa cũng rất đắt đỏ. Giá các loại lúa đều tăng lên gần 8.000 đồng/kg. Với mức giá này, nếu quy ra gạo xuất khẩu thì tương đương giá 670-680 USD/tấn.
“Nhưng giá này không có ai mua. Do đó, dù có thêm quốc gia cấm xuất khẩu gạo thì gạo Việt cũng rất khó tăng giá thêm”, ông nói.
Ở tình thế hiện tại, các doanh nghiệp gần như không dám ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo mới và cũng tạm dừng thu mua lúa tại thị trường nội địa để nghe ngóng.
“Ký đơn mới sẽ phải giao hàng. Song, các nhà nhập khẩu chỉ chấp nhận mức giá 640 USD/tấn. Nếu doanh nghiệp vẫn ký hợp đồng bán và phải mua lúa giá cao như hiện nay sẽ lỗ khoảng 30-40 USD/tấn. Như vậy, doanh nghiệp lấy tiền đâu bù vào”, ông Bình tính toán.
Riêng đơn hàng cũ, ông Bình cho biết, nhiều doanh nghiệp đang đàm phán với nhà nhập khẩu nước ngoài để điều chỉnh giá tăng thêm, nhưng hầu hết không được chấp thuận. Thế nên, doanh nghiệp chỉ có thể giao hàng với giá đã ký trước đó hoặc huỷ hợp đồng. Nếu không bị đối tác kiện thì doanh nghiệp Việt cũng mất uy tín.
Còn với đơn hàng nhỏ, khách truyền thống, doanh nghiệp đang đề nghị giãn thời gian giao hàng đến vụ Đông Xuân sao cho hài hoà giữa hai bên.
Từ đó có thể thấy, dù gạo thế giới khan hàng, giá gạo Việt cũng rất khó tăng. Quan trọng hơn, doanh nghiệp nếu không đảm bảo lợi nhuận sẽ dừng mua lúa, không ký thêm hợp đồng xuất khẩu.