Trò chuyện với phóng viên Báo Công Thương bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương bày tỏ sự đau buồn trước vụ việc cháy nhà trọ ở đường Trung Kính (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội).
Sau vụ cháy nhà trọ trên phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội), theo bà cần có giải pháp gì để hạn chế các vụ cháy xảy ra?
Vụ cháy sáng nay (rạng sáng ngày 24/5) là tin buồn đầu ngày. Chúng ta đã nói nhiều đến các vụ cháy và nguy cơ xảy ra cháy ở các khu nhà trọ cho thuê, các chung cư mini ở các đô thị lớn trong đó có Hà Nội. Trên thực tế xảy ra nhiều vụ cháy mà hậu quả của nó vô cùng thương tâm khi không những thiêu trụi tài sản của người dân mà còn khiến cho rất nhiều người tử vong và bị thương. Đây là sự việc rất đau buồn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga |
Chúng ta đã đề ra nhiều giải pháp để hạn chế đến mức độ thấp nhất các vụ cháy xảy ra, đặc biệt với nhà dân. Một giải pháp là sự nỗ lực để làm sao có thể quản lý tốt được các phương tiện phòng chống cháy nổ ở các khu tập thể cũng như các nhà dân.
Tuy nhiên, theo tôi, giải pháp khác chúng ta cần lưu ý hiện nay, liên quan đến một loạt các Luật mà Quốc hội vừa thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đó là khi phát triển nhà ở xã hội cần quan tâm nhiều hơn nữa đến phân khúc nhà ở xã hội cho thuê.
Bởi theo kết quả giám sát và khảo sát hiện nay dù đã được hưởng rất nhiều ưu đãi nhưng nhà ở xã hội, giá thành vẫn khá cao so với thu nhập của người lao động có thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở các đô thị lớn.
Ví dụ như, ở Hải Dương giá nhà ở xã hội giao động từ 11-14 triệu/m2. Với một căn nhà ở xã hội dạng chung cư khoảng 50 m2 thì người thu nhập cũng đã phải bỏ ra số tiền rất lớn để sở hữu. Nó vượt quá khả năng chi trả của họ.
Qua giám sát rất nhiều người lao động nói rằng với mức lương hiện nay của họ chỉ đủ sống ở các đô thị, không có tích luỹ, hoặc tích luỹ không đáng kể vậy làm sao có thể bỏ ra 500 triệu đồng - 1 tỷ đồng để mua nhà ở xã hội, đó là điều "không tưởng".
Và đa phần nguyện vọng của người lao động có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở các đô thị lớn họ đều mong muốn sở hữu căn nhà ở xã hội dưới dạng không phải mua trả góp mà dưới dạng trả tiền thuê hàng tháng.
Tôi cho rằng chúng ta nên quan tâm nhiều hơn nữa tới phân khúc này để cho người lao động có thu nhập thấp có thể tiếp cận dễ dàng hơn với nhà ở xã hội. Khi nhà ở xã hội được hình thành chắc chắn chúng ta đáp ứng được nhiều tiêu chí về diện tích, kết cấu, và điều kiện phòng cháy chữa cháy đảm bảo an toàn hơn. Đây cũng là giải pháp mà chúng ta cần tập trung quan tâm trong thời gian tới.
Trong vụ cháy xảy ra tại phố Trung Kính có các sinh viên thuê trọ, trong khi có nhiều dự án nhà ở, căn hộ tái định cư không đưa vào sử dụng rất lãng phí. Vậy có nên chuyển đổi mục đích các dự án chưa phát huy tác dụng vào mục đích nhà ở xã hội cho thuê không?
Nhà ở xã hội khi tiến hành có nhiều điều kiện khác nữa. Ví dụ, ưu đãi khi làm nhà ở xã hội với các dự án khác thì hoàn toàn khác nhau. Thậm chí, trong Luật Nhà ở có quy định rõ về nhà ở xã hội là phải đáp ứng tiêu chí về quy hoạch, và các tiêu chí khác.
Chúng ta có rất nhiều dự án, kể cả dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở sinh viên, làng sinh viên nhưng sau khi xây xong lại không có hoặc không có nhiều người đến ở. Bởi nó chưa đáp ứng được các tiêu chí khác ngoài tiêu chí có nhà.
Ví dụ về hạ tầng, các dịch vụ đi kèm. Nếu những tiêu chí này chưa đáp ứng được thì khó khăn để thu hút người vào. Với nhà ở xã hội và nhà ở công nhân thì tiêu chí về hạ tầng gần bến xe buýt, thuận tiện đường đi, thuận tiện cả về mặt khoảng cách đối với các công trình phúc lợi xã hội khác như trường học, chợ là tiêu chí quan trọng.
Nếu chúng ta chỉ tập trung vào tiêu chí xây được một khu nhà, một dãy nhà thì chưa đáp ứng được. Do đó, tôi nghĩ trước khi chúng ta quy hoạch và tiến hành dự án nào đó cần phải khảo sát kỹ lưỡng nhiều yếu tố khác nhau chứ không chỉ đất đai.
Thứ hai, chúng ta đã có kế hoạch từ rất lâu là di dời các trường đại học ra khỏi khu vực nội đô Hà Nội nhưng chưa làm được mấy. Chính điều này vẫn tạo sức ép hạ tầng rất lớn cho Hà Nội.
Đặc biệt, khu vực nội đô nơi có đông các trường đại học tập trung thì chắc chắn có đông sinh viên và một phần lớn là sinh viên ngoại tỉnh. Sinh viên ngoại tỉnh chắc chắn các em phải thuê trọ ở những khu vực xung quanh trường và nó gây sức ép lên các khu nhà trọ vì sinh viên thường lựa chọn các khu nhà trọ giá rẻ. Nếu bây giờ chúng ta rốt ráo làm tốt công tác di dời các trường đại học ra khỏi khu vực nội đô Hà Nội thì sẽ giảm tải một phần nào áp lực lên các khu nhà trọ.
Trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ cháy và cử tri phản ánh lo lắng về các vụ cháy vẫn tiếp diễn, gây thiệt hại lớn. Bà đánh giá thế nào về trách nhiệm của cơ quan chức năng?
Phòng cháy chữa cháy chúng ta nói rất nhiều nhưng các vụ cháy xảy ra thường xuyên, không năm nào không có các vụ cháy và có hậu quả rất thương tâm xảy ra. Tuy nhiên để rà soát một cách triệt để trên địa bàn Hà Nội là việc làm khó khăn. Vì thực tế các khu chung cư mini, nhà trọ mọc lên rất nhiều. Nếu như chúng ta xử lý theo hướng tất cả các khu nhà trọ và các chung cư mini không đảm bảo tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy sẽ không cho thuê trọ nữa thì sẽ dẫn đến 2 hệ luỵ.
Thứ nhất, tác động tiêu cực của nó đó là chủ đầu tư đang có phương tiện kinh doanh, mang lại thu nhập phải dừng. Nhưng quan trọng là nếu dừng thì tất cả những người lao động có thu nhập thấp đang sinh sống ở khu nhà đó sẽ đi đâu? về đâu?. Và con số này là không nhỏ.
Nếu cùng một lúc mà chúng ta làm theo hướng đó thì tác động xã hội của nó vô cùng lớn. Nhưng chúng ta cũng không thể buông lỏng được. Theo tôi, các quy định về phòng cháy chữa cháy đã có, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành cũng đã có. Quan trọng là phải rà soát tích cực và có phương án với từng loại hình. Không thể có phương án công thức chung được.
Ví dụ nhà cho thuê trọ chật hẹp, nhiều tầng, nhiều người thuê trọ ở trong ngõ sâu thì giải quyết thế nào vì chúng ta không thể mở đường được. Ngõ sâu, xe chữa cháy không vào được nhưng xử lý được theo hướng kiểm tra kết cấu vì phần lớn nhà bị cháy có nhiều người tử vong là do không có lối thoát hiểm. Phải yêu cầu những nhà cho thuê phải đảm bảo được lối thoát hiểm để khi có tai nạn cháy xảy ra thì người trong nhà có thể nhanh chóng thoát hiểm. Phương án này không phải là quá khó khăn.
Thứ hai, công tác tập huấn về phòng chống cháy nổ và công tác tập huấn về kỹ năng ứng phó khi có sự cố cháy xảy ra rất cần thiết. Tôi cảm giác chúng ta chỉ làm rốt ráo mỗi khi có vụ cháy thương tâm nào xảy ra thì chúng ta lại tập trung vào biện pháp đó nhưng sau đó lại trôi đi. Việc tập huấn cần phải thường xuyên và ý thức của con người rất quan trọng.
Một trong số nguyên nhân xảy ra vụ cháy thương tâm nằm ở thức của con người. Nhiều khi không nghĩ rằng những hành vi của mình lại là hành vi bất cẩn để có thể gây tai nạn thương tâm. Cho nên ngay chủ nhà, người thuê trọ cần hết sức cẩn trọng đối với hành vi của mình.
Vì theo thống kê có rất nhiều vụ cháy xảy ra là do sự chủ quan vì hành vi tắc trách của con người từ việc không ngắt các thiết bị điện, cho thuê trọ mà dân cư ở lẫn các loại hình kinh doanh dễ gây cháy nổ, thậm chí sử dụng các thiết bị điện không đúng quy chuẩn. Tất cả các điều đó đều là nguyên nhân dẫn đến cháy và tiềm ẩn nguy cơ rất lớn nhưng nhiều khi không nghĩ rằng đấy là nguyên nhân có thể xảy ra tai nạn. Chỉ khi nào tai nạn xảy ra rồi chúng ta mới rốt ráo đi tìm bài học kinh nghiệm và rút kinh nghiệm.
Trân trọng cảm ơn bà!
Liên quan đến vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy khiến 14 người tử vong, Công an Thành phố Hà Nội đã có thông tin chính thức về vụ việc. Theo đó, hồi 0h46' ngày 24/5/2024, Tổng đài 114 - Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an Thành phố Hà Nội nhận được tin báo cháy nhà dân; tại địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Ngay khi nhận được thông tin, Công an Thành phố đã điều động 50 cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an Thành phố và Công an quận Cầu Giấy, lực lượng Cảnh sát 113 Công an quận Cầu Giấy, Công an phường Trung Hòa khẩn trương đến hiện trường phối hợp các lực lượng khác của chính quyền và người dân địa phương tổ chức chữa cháy. Đến 0h52’ cùng ngày, các đơn vị đã tiếp cận hiện trường, triển khai chữa cháy, ngăn cháy lan cùng các mũi trinh sát tìm kiếm, cứu người bị nạn; thời điểm này đám cháy đã phát triển mạnh thiêu rụi nhiều xe máy, xe đạp điện, xe đạp tại khu vực sân, khói và khí độc bao trùm toàn bộ khu vực cháy. Các lực lượng đã tổ chức phá khóa cổng chính, phá ô cửa sổ tiếp cận vào bên trong ngôi nhà và cứu được 07 người mắc kẹt, trong đó có 03 người bị thương được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Đến 01h26’, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Qua tìm kiếm, sơ bộ các lực lượng phát hiện 14 người tử vong. Hiện Giám đốc Công an Thành phố đang chỉ đạo các đơn vị liên quan, Công an quận Cầu Giấy phối hợp các Cục nghiệp vụ Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ cháy để giải quyết, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Công an Thành phố tham mưu cho Thành ủy, UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phối hợp UBND quận Cầu Giấy tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân, khắc phục hậu quả sau vụ cháy. |