Tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh mới Thủ tướng Chính phủ: Bàn cho đúng, trúng các vấn đề để tiếp tục mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu |
Xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Nhưng trụ cột này đang đối mặt khó khăn do nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực sụt giảm đơn hàng.
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu: Cần tạo thế chân kiềng |
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý I/2023 là 79,3 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tổng số 45 nhóm hàng xuất khẩu chính trong quý I/2023 thì có đến 35 nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng âm, chiếm đến 87% giá trị xuất khẩu.
Về thị trường, có 5 trên 6 thị trường xuất khẩu chủ lực có sự sụt giảm so với cùng kỳ, trong đó, Trung Quốc giảm 12,6%; Hoa Kỳ giảm 21,1%; Hàn Quốc giảm 3,3%; ASEAN giảm 1,7%; thị trường EU giảm 8,1%. Quý I/2023, trong Top 7 địa phương xuất khẩu, có đến 6 địa phương có trị giá xuất khẩu giảm trong quý đầu năm.
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, năm 2023 sẽ là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó có khả năng chịu tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất - tỷ giá. Hai động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là xuất khẩu và tiêu dùng trong nước có thể gặp nhiều thách thức.
Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP và có hiệu lực từ ngày 21/4/2023 và thay thế Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 15/6/2016.
Nghị quyết số 58 đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong ngắn hạn như sau: Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước;….
Bên cạnh bức tranh kém sáng của xuất khẩu những tháng đầu năm 2023, vẫn có những dự báo lạc quan về triển vọng phục hồi xuất khẩu trong nửa cuối năm 2023 nhờ mức nền thấp trong nửa cuối năm 2022 và được hỗ trợ từ việc nhu cầu của Trung Quốc phục hồi mạnh sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Mặt khác, theo số liệu công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 so với cùng kỳ ước tính tăng 3,32%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 xét trong giai đoạn 13 năm gần đây. Nhưng, chúng ta cần nhìn nguyên nhân của nó là xuất phát từ tháng 10/2022, thời điểm này, đơn hàng xuất khẩu của nhiều ngành nghề không tốt, không có đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, cho công nhân nghỉ việc, thậm chí giải thể.
Tuy nhiên, sau thời gian tháng 1/2023, bắt đầu từ tháng 2 trở đi, số đơn hàng đã quay trở lại với nhiều doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng lại công nhân, trong số đó, có những doanh nghiệp số công nhân đã quay trở lại làm việc đạt 100%.
Sản xuất đã tăng lên, vốn tín dụng cũng đã có tăng trưởng rất mạnh trong tháng 3, ngay cả vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 3 cũng chiếm tới 2/3 lượng trái phiếu trong cả quý I/2023 phát hành được.
Về cơ bản, những tác động chính sách của Việt Nam vẫn đang theo chiều hướng rất tốt. Cụ thể, đồng tiền của Việt Nam vẫn đang ổn định, đây là cơ hội cho xuất nhập khẩu cũng như sản xuất. Lãi suất tín dụng đang hạ một cách tương đối nhanh chóng, việc này cũng góp phần kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính phủ cũng vừa ban hàng việc giãn hoãn thuế VAT, tiền thuê đất, đồng thời đề nghị với Quốc hội giảm 2% thuế VAT. Nếu Quốc hội thông qua, việc này sẽ kích thích tiêu dùng trong nước, kích thích cho sản xuất do yếu tố đầu vào cho sản xuất giảm
Thị trường chứng khoán có phiên lên, phiên xuống nhưng về cơ bản thị trường đang ấm lên. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang quay trở lại Việt Nam. Chúng ta cũng hi vọng sản xuất kinh doanh sẽ tốt trở lại và mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đề ra vẫn có thể được thực hiện. Vấn đề hiện nay là sự vào cuộc của cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh |
Theo đó, thứ nhất, Bộ Công Thương cùng với các Thương vụ Đại sứ quán các nước, các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp phải nắm bắt lại thị trường truyền thống, xem họ cần gì và chúng ta phải thay đổi gì để đáp ứng được yêu cầu thị trường. Riêng với thị phần của ngành dệt may đã bị rơi vào tay thị trường khác, bản thân các doanh nghiệp phải nhìn nhận, rút kinh nghiệm và phải thay đổi.
Thứ hai, song song với giữ thị trường xuất khẩu truyền thống, hệ thống các Thương vụ, Đại sứ quán và Bộ Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng phải tích cực mở rộng các thị trường mới, nhất là tại các thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, tận dụng các lợi thế của FTA.
Thứ ba, cần đẩy mạnh chinh phục thị trường trong nước. Bởi, với tốc độ tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng trong quý I/2023 khoảng 15%, như vậy tốc độ tiêu dùng của người dân Việt Nam đang tăng trưởng rất mạnh. Các doanh nghiệp cần coi việc quay trở lại chinh phục chính thị trường Việt Nam là chiến lược, là cứu cánh cho mình. Đây cũng là giải pháp để các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP từ nay đến cuối năm.
Thứ tư, việc liên kết giữa các doanh nghiệp, ngành nghề cần đi vào nề nếp để hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa. Bài toán chuỗi sản xuất kinh doanh và công nghiệp hóa nông nghiệp phải đi liền với nhau, khi đó, giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Hơn 2 năm đại dịch vừa qua, cùng với việc thay đổi địa chính trị là nhưng thay đổi của những nước lớn dẫn đến nền kinh tế thế giới đang có những sự tái cấu trúc lại. Có rất nhiều sự thay đổi liên quan đến thị trường, xu hướng tiêu dùng hay vấn đề sản xuất xanh và phát triển bền vững.
Do đó, việc đánh giá, rà soát và định vị lại sản phẩm, thị trường, quản trị, công nghệ, mô hình sản xuất là vấn đề các doanh nghiệp cần phải tính đến trong dài hạn. Về ngắn hạn, việc duy trì sản xuất, thích ứng với hoàn cảnh là những giải pháp mà các CEO doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải lựa chọn để lèo lái doanh nghiệp mình vượt “cơn bão” lạm phát.