Xây dựng công trình trái phép chờ đền bù ở Quảng Nam: Trách nhiệm thuộc về ai? Quảng Nam: Xây dựng công trình không có giấy phép, Công ty Xuân Phú Hải bị phạt 130 triệu đồng |
Ngày 6/5, ông Bùi Sang - Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) cho biết, về việc hàng chục hộ dân trên địa bàn xã ồ ạt xây công trình, xây nhà trái phép trên đất sản xuất lâu năm, đất rừng, đất ruộng để chờ đền bù, địa phương đã xử phạt hành chính 7 trường hợp với tổng số tiền 28 triệu đồng và đến thời điểm này, cơ bản các công trình đã được tháo dỡ xong.
“Vì còn một số vướng mắc nên đến thời điểm hiện tại vẫn còn khoảng 10 trường hợp chưa tháo dỡ các công trình vi phạm. Xã đã xin với huyện gia hạn thêm thời gian đến ngày 15/5 sẽ tháo dỡ hết. Nếu quá thời gian đó, những hộ dân này không chấp hành việc tháo thì sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định”, ông Sang thông tin.
Hàng chục công trình xây dựng trái phép được dựng lên |
Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, đến thời điểm này, xã Tiên Lãnh đã ban hành xử phạt hành chính 7/23 hộ. Ngoài ra, vận động 8 hộ dân tự tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép.
Theo ông Hùng Anh, từ đây đến ngày 15/5, xã sẽ ban hành quyết định xử phạt hành chính những hộ dân chưa chịu tháo dỡ các công trình trái phép.
"Sau khi ra quyết định xử lý vi phạm hành chính mà hộ dân không chấp hành thì sau 1 tháng, sẽ tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ" Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước nói và cho biết thêm, huyện cũng đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh.
Trước đó như Báo Công Thương đưa tin, khi nghe thông tin Nhà nước chuẩn bị đầu tư dự án hồ chứa nước Hố Khế trên địa bàn xã Tiên Lãnh, hàng chục hộ dân đã xây dựng các công trình trái phép nhằm mục đích "đón đầu", chờ hỗ trợ đền bù. Trong bán kính khoảng 500 m, hàng chục công trình xây dựng trái phép: nhà cửa, chăn nuôi gia súc, gia cầm được dựng lên ở khu vực rừng keo lá tràm, bờ suối và cả đất ruộng. Phần lớn các công trình được xây dựng tạm bợ; tường nhà ốp gạch men, hệ thống kèo mái là những thanh sắt lớn.
Qua kiểm tra thực địa, chính quyền địa phương phát hiện có gần 60 công trình, vật kiến trúc xây dựng trái phép nhằm trục lợi bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, UBND xã Tiên Lãnh chậm phát hiện, xử lý không kịp thời.
Sẽ tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ các công trình vi phạm nếu hộ dân không chấp hành |
Để xử lý kịp thời, khắc phục dứt điểm các sai phạm nêu trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước đề nghị Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo hệ thống chính trị xã Tiên Lãnh tổ chức kiểm soát các tuyến đường vào khu vực triển khai dự án hồ chứa nước Hố Khế, nghiêm cấm các phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng, không để nhân dân có điều kiện tiếp tục xây dựng công trình trái phép, các trường hợp cố tình vi phạm phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Thông báo bằng văn bản cho từng hộ dân có liên quan được biết, yêu cầu tự tháo dỡ công trình vi phạm; các trường hợp không chấp hành tự tháo dỡ công trình vi phạm, khẩn trương xác lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, tiến đến cưỡng chế thực hiện.
Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện về công tác chỉ đạo khắc phục, triển khai giải quyết tình trạng xây dựng trái phép tại khu vực triển khai dự án hồ chứa nước Hố Khế. Thường xuyên thông tin kết quả, tiến độ giải quyết hằng ngày cho UBND huyện để theo dõi, chỉ đạo xử lý kịp thời.
Dự án Hồ chứa nước Hố Khế (thôn 2, xã Tiên Lãnh) thuộc dự án Cụm Hồ chứa nước Hố Khế, Mò Ó, Cha Mai được đầu tư từ nguồn vốn Ngân sách Trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và ngân sách tỉnh với tổng mức đầu tư trên 130 tỷ đồng (trong đó chi phí xây lắp công trình gần 94 tỷ đồng và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên 36,5 tỷ đồng); diện tích xây dựng công trình 40,43 ha. Việc đầu tư công trình hồ chứa nước Hố Khế có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế trên địa bàn xã Tiên Lãnh nói riêng và huyện Tiên Phước nói chung; góp phần cải thiện môi trường sinh thái, điều hòa khí hậu, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và nâng cao diện tích chủ động nước tưới trên địa bàn xã phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. |