Kiến nghị xử lý tài chính tăng đột biến
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng chuyên ngành thuộc bộ đã thực hiện 31.092 cuộc thanh tra, kiểm tra, vượt so với cùng kỳ năm ngoái là 2.742 cuộc; tiến hành kiểm tra 363.154 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu, bắt giữ 6.653 vụ, qua đó kiến nghị xử lý về tài chính 40.424.373 triệu đồng, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 11.111.562 triệu đồng; kiến nghị tài chính khác 29.312.811 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 2.511.685 triệu đồng. Các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã thực hiện kiến nghị số tiền 9.435.727 triệu đồng.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện 13 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch. Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính số tiền 2.908.661 triệu đồng. Các đơn vị được thanh tra đã thực nộp ngân sách nhà nước số tiền 2.727.898 triệu đồng.
Lĩnh vực thuế, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống thuế đã thực hiện 29.616 cuộc thanh tra, kiểm tra |
Lĩnh vực thuế, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống thuế đã thực hiện 29.616 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra 363.154 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số tiền kiến nghị xử lý là 37.494.319 triệu đồng, ban hành 26.818 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 2.435.990 triệu đồng. Số tiền đã nộp ngân sách nhà nước 6.092.630 triệu đồng.
Lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị chủ động thu thập thông tin, bố trí lực lượng để triển khai, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đồng thời, tăng cường kiểm tra nội bộ theo hình thức chuyên đề, công vụ đột xuất.
6 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống hải quan đã triển khai thực hiện 903 cuộc thanh tra, kiểm tra; chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý 6.653 vụ vi phạm pháp luật hải quan. Kiến nghị xử lý số tiền 2.428.409 triệu đồng.
Song song với lĩnh vực thuế và hải quan, hệ thống thanh tra, kiểm tra Kho bạc Nhà nước khẩn trương tiến hành triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đề ra. Trong 6 tháng đầu năm 2023, hệ thống thanh tra, kiểm tra Kho bạc Nhà nước đã thực hiện 522 cuộc thanh tra, kiểm tra; ban hành 445 kết luận thanh tra tại 445 đơn vị. Qua thanh tra, phát hiện 80 tổ chức, cá nhân vi phạm với tổng số tiền vi phạm là 3.021 triệu đồng.
Kết quả thực hiện xử lý vi phạm về kinh tế số tiền 3.079 triệu đồng, gồm số tiền vi phạm đã thu hồi là 955 triệu đồng (trong đó, nộp ngân sách nhà nước 389 triệu đồng), xử lý vi phạm khác 2.062 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 62 triệu đồng.
Cũng trong nửa đầu năm, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã triển khai 21 cuộc kiểm tra chuyên ngành, lưu hành 12 báo cáo kết quả kiểm tra. Qua kiểm tra, đã chấn chỉnh kịp thời những tồn tại để các đơn vị hoàn thiện tốt hơn công tác quản lý hàng dự trữ theo quy định, góp phần chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước trong hệ thống dự trữ Nhà nước.
Lĩnh vực chứng khoán Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai và thực hiện 16 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó, 9 cuộc theo kế hoạch và 7 cuộc đột xuất; đã ban hành 1 kết luận thanh tra tại 3 tổ chức.
Thông qua hệ thống giám sát thường xuyên, đã phát hiện và ban hành 187 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 71 tổ chức và 116 cá nhân, với tổng số tiền xử phạt 18.353 triệu đồng; đồng thời, áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung đối với 9 trường hợp, gồm 3 tổ chức và 6 cá nhân có hành vi vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động chứng khoán; yêu cầu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 2 trường hợp tổ chức công bố thông tin sai lệch.
Công tác quản lý và giám sát bảo hiểm, trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Quản lý bảo hiểm đã triển khai 1 cuộc thanh tra thuộc kế hoạch thanh tra năm 2023 về việc bán bảo hiểm qua ngân hàng tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm: Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife. Qua đó, phát hiện việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới. Những hành vi sai phạm sẽ được Bộ Tài chính xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường.
Hơn 40.000 tỷ đồng đã được thanh tra tài chính kiến nghị xử lý |
Thanh tra trọng tâm, trọng điểm
Đánh giá về công tác thanh tra, kiểm tra trong 6 tháng đầu năm 2023, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra trong 6 tháng đầu năm đáp ứng kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ Tài chính và Chính phủ.
Nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo bộ, hoàn thành đúng tiến độ. Qua thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm theo quy định các sai phạm trong công tác quản lý tài chính ngân sách; kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách về quản lý tài chính đối với các ngành, lĩnh vực.
Cũng theo Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, hiện nay, tổng số lượng biên chế làm công tác thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị thuộc Bộ Tài chính là 2.070 cán bộ, công chức; trong đó, số thanh tra viên cao cấp và tương đương là 16 người, thanh tra viên chính và tương đương là 196 người, thanh tra viên và tương đương là 1.792 người. Trong 6 tháng đầu năm 2023, số người được chuyển đổi vị trí công tác là 69 người.
Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, thời gian tới, Chánh Thanh tra Trần Huy Trường, cho biết Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch năm 2023 được phê duyệt.
"Các đơn vị chức năng sẽ chủ động nắm bắt tình hình, thường xuyên báo cáo và đề xuất các phương án xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thanh tra; tập trung hoàn thiện, xây dựng báo cáo, tổ chức thẩm định để ban hành kết luận thanh tra theo đúng quy định", ông Trường nhấn mạnh.
Cùng với đó, tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; phối kết hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong nội bộ ngành và giữa Bộ Tài chính với các cơ quan chức năng khác như cơ quan cảnh sát điều tra, Ngân hàng Nhà nước... nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy và các chất gây nghiện.
Tăng cường đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích, phân loại đối tượng nộp thuế, kê khai hải quan theo mức độ rủi ro nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới; hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thông tin phục vụ thanh tra, kiểm tra ngành tài chính.
Ngoài ra, phối hợp rà soát để kịp thời điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra, qua đó tránh chồng chéo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp.