Ngân hàng Nhà nước: Hỗ trợ doanh nghiệp Bình Dương khôi phục sản xuất, kinh doanh Bình Dương: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất |
Đứng trước nhiều thách thức lớn
Sau gần 30 năm phát triển mạnh mẽ, Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, đặc biệt với chủ trương thu hút đầu tư nhất quán, xuyên suốt nhưng luôn được bổ sung, đổi mới, sáng tạo, Bình Dương đã triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược thu hút FDI thế hệ mới. Trong đó, chú ý ưu tiên những ngành nghề, dự án có công nghệ tiên tiến, có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao; quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu…
Bình Dương đã thu hút được gần 4.000 dự án FDI từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ |
Nhờ những chủ trương, định hướng đúng đắn, cách làm sáng tạo, linh hoạt, công tác thu hút đầu tư của tỉnh Bình Dương đã thu được kết quả khá ấn tượng. Đến nay, Bình Dương đã thu hút được gần 4.000 dự án FDI từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký gần 36,8 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước về thu hút FDI, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Hiện nay, thu nhập GDP bình quân đầu người của Bình Dương gấp đôi cả nước. Mặc dù có bước chuyển mình mạnh mẽ về phát triển kinh tế -xã hội, nhưng Bình Dương hiện vẫn đang đứng trước những thách thức lớn như: Sức ép về hạ tầng đô thị giao thông của Bình Dương đang có dấu hiệu quá tải, điều này ảnh hưởng lớn đến chi phí hậu cần của các nhà đầu tư, trực tiếp ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư.
Hiện thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương là hơn 7.000 USD/người/năm, điều đó đồng nghĩa với việc nguy cơ gặp bẫy thu nhập trung bình của Bình Dương sẽ sớm hơn cả nước, nếu không sớm có giải pháp giúp nhà đầu tư tăng năng suất lao động, giảm chi phí vận hành, hậu cần… thì việc gặp phải bẫy thu nhập trung bình sẽ đến rất sớm
Đáng chú ý, phát triển kinh tế cân bằng đang có một khoảng cách lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh giữa thương mại dịch vụ và công nghiệp. Công nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ 66,8% trong khi đó thương mại dịch vụ 22,4%. Để có thể phát triển bền vững, việc thu hẹp khoảng cách này cần phải được ưu tiên rất nhiều trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, với yêu cầu của thời đại kinh tế số và công nghiệp 4.0 và các thách thức nêu trên, Bình Dương cần phải sớm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất lao động để phù hợp với yêu cầu thời kỳ mới, cũng như đáp ứng nhà đầu tư. Do đó, việc đẩy mạnh triển khai đề án TPTM sẽ là bước đột phá chiến lược mới trong phát triển kinh tế -xã hội Bình Dương
Hiện thực hóa thành phố thông minh
Bước sang năm 2021, chính quyền Bình Dương nhanh chóng thích nghi với diễn biến phức tạp đại dịch Covid-19, thực hiện công tác phòng, chống dịch hiệu quả. Hiện nay, Bình Dương bước vào trạng thái bình thường mới, đồng thời thực hiện các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch trên địa bàn, nhằm phục hồi, kinh tế. Trong đó, ưu tiên, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh phát triển các dự án trọng tâm của tỉnh.
Thành phố thông minh - đột phá chiến lược mới trong phát triển kinh tế Bình Dương trong thời gian tới |
Bình Dương đã và đang đẩy mạnh triển khai đề án TPTM mà trọng tâm hiện nay là đề án Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương. Đề án là một giải pháp liên ngành, nhiều lớp, có liên quan và tác động đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, từ quy hoạch đô thị, đến xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế cân bằng, chuyển đổi số và công nghiệp 4.0 đến phát triển nguồn nhân lực.
Tại hội nghị trực tuyến giữa lãnh đạo tỉnh Bình Dương với lãnh đạo, chuyên gia TP. Eindhoven (Hà Lan) tổ chức ngày 21/10 vừa qua, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Becamex IDC đã chia sẻ thông tin liên quan đến đề án TPTM và nêu ra một số dự án tiêu biểu, mang tính đột phá phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong giai đoạn bình thường mới.
Theo đó, trong thời gian tới, Bình Dương quy hoạch giao thông đô thị ứng dụng mô hình TOD - Đây là mô hình xây dựng chuỗi đô thị dọc theo tuyến giao thông công cộng. Trong đó, Becamex IDC chuẩn bị khởi công Điểm TOD đầu tiên A1 và nhiều điểm đô thị TOD nữa sẽ được phát triển dọc theo tuyến giao thông công cộng kết nối vào với hệ thống Metro Bến Thành - Suối Tiên. Trước tiên là hệ thống bus BRT và tương lai là hệ thống Metro, dự án cải tạo và nâng cấp Quốc Lộ 13 tại những điểm nghẽn bằng việc xây dựng các cầu vượt, hầm chui, đường gom, đường song hành dọc theo tuyến…
Becamex IDC chuẩn bị khởi công điểm TOD A1 - Thành phố Mới Bình Dương |
Những dự án này, được xem là "bàn đạp" giúp Bình Dương xây dựng một môi trường hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ... Từ đó sẽ nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tạo ra các công cụ sản xuất mới và phát triển đồng đều trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, dần tăng tỷ trọng kinh tế số.
Bên cạnh đó, Bình Dương đẩy mạnh phát triển kinh tế cân bằng, trong đó việc thu hẹp khoảng cách giữa thương mại dịch vụ và công nghiệp là yêu cầu cấp bách của tỉnh trong giai đoạn mới. Do đó, Bình Dương đầu tư xây dựng khu Trung tâm Thương mại Thế giới TP Mới Bình Dương, là thành viên của Hiệp hội các trung tâm thương mại thế giới WTCA. Đây là cánh cửa giúp Bình Dương giao thương với 230 trung tâm Thương mại thế giới trên toàn cầu.
Bình Dương cũng đã xây dựng khu thử nghiệm thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới. Khu thử nghiệm này, là đề án cấp quốc gia, thí điểm mô hình TMĐT xuyên biên giới đầu tiên tại Việt Nam. Hàng hóa phục vụ các sàn TMĐT trong khu vực Đông Nam Á sẽ đươc lưu trữ tại các kho ngoại quan tại đây, khi có đơn hàng phát sinh ở quốc gia nào thì hàng sẽ được chuyển đến đó và thông quan.
Liên quan đến phát triển công nghệ, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, hiện Bình Dương đang triển khai dự án Khu công nghiệp khoa học và công nghệ. Để hiện thực hóa điều này, hiện nay tại Thành phố mới Bình Dương, đã và đang xây dựng các trung tâm nhằm thu hút lực lượng công nghệ về để phát triển các sản phẩm, nghiên cứu các công nghệ 4.0, nhà máy thông minh để từng bước ứng dụng trong thực tế sản xuất.
Để xây dựng TPTM, phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất và quyết định sự thành công của mọi chiến lược, bởi vậy chiến lược phát triển, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực đang được Bình Dương tập trung triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - cho biết, giai đoạn sắp tới, Bình Dương bước vào thời kỳ bình thường mới, tỉnh sẽ tiếp tục gắn kết chặt chẽ với với các đơn vị, tổ chức của Hà Lan trong việc triển khai hợp tác xây dựng TPTM. Đồng thời khẳng định quyết tâm triển khai đề án TPTM như mục tiêu của Đại hội Đảng bộ Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Đây sẽ là động lực quan trọng để Bình Dương khôi phục sau đại dịch Covid-19, đột phá đón kỷ nguyên 4.0.
Bí thư tỉnh ủy Bình Dương khẳng định, một trong những trọng tâm của đề án TPTM giai đoạn 2021-2026 là qui hoạch Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương, tập trung nguồn lực để đưa tỉnh vươn cao hơn nữa trên trường quốc tế, gia nhập các hiệp hội uy tín trên thế giới. Đề án TPTM cũng như Vùng Đổi mới sáng tạo sẽ phát triển dựa vào mô hình hợp tác chặt chẽ ba nhà: Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà trường.