Thành phố Hà Nội: Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt Thành phố Hà Nội: Đẩy mạnh quảng bá, kết nối thương mại, du lịch |
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, từ năm 2008 đến nay, thành phố đã xem xét hơn 10 phương án về thiết kế hướng tuyến, vị trí ga ngầm C9 của tuyến đường sắt đô thị (metro) số 2 Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Ngày 22/2, thành phố đã có văn bản xin ý kiến của các Bộ, ngành và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về 3 phương án bố trí ga ngầm C9 và đề xuất phương án 1 để làm cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án metro số 2.
Trên cơ sở thống nhất của các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án vị trí, tổng mặt bằng ga ngầm C9 theo phương án 1, làm cơ sở để hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Dự án metro số 2 là một tuyến quan trọng trong mạng lưới phát triển đường sắt đô thị của thành phố Hà Nội, có lộ trình từ Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình. Dự án có chiều dài 11,5km trong đó có 2,6km đi trên cao và 8,9km đi ngầm, có 3 ga trên cao từ C1 đến C3 và 7 ga ngầm từ C4 đến C10.
Phối cảnh ga ngầm C9, Dự án metro số 2 Hà Nội |
Tuy nhiên, gần 14 năm trôi qua, Dự án tuyến metro số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vẫn "nằm trên giấy" do "nút thắt" quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 vẫn chưa được tháo gỡ.
Về phương án mà Hà Nội đề xuất, ga ngầm C9 sẽ được bố trí ngoài Vùng bảo vệ II của di tích Hồ Gươm. 3 phương án Hà Nội xin ý kiến các bộ ngành liên quan và Ủy ban Văn hóa - giáo dục của Quốc hội về 3 phương án bố trí ga ngầm C9, cụ thể:
Phương án 1: Đặt ga ngầm C9 ngoài vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm. Theo phương án này, ga ngầm C9 được thiết kế xếp chồng 4 tầng, có 2 cửa lên xuống, kết cấu thân ga trùng với ranh giới vùng bảo vệ II, dài 202,4m, rộng 15m, sâu 31m. Một phần ke ga và thân ga nằm trong đường cong bán kính R=800m, bên dưới đường Đinh Tiên Hoàng phía trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội và trụ sở Hội đồng nhân dân – Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Phương án 2: Giữ nguyên phương án ban đầu đã đề xuất phê duyệt từ năm 2017. Ga ngầm C9 được thiết kế đồng mức 3 tầng, có 4 cửa lên xuống, thân ga dài 150m, rộng 24m, sâu 20m, nằm ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm (trước cổng Tổng công ty Điện lực Hà Nội). Phần chính thân ga và cửa lên xuống số 3 nằm trong vùng bảo vệ II di tích hồ Hoàn Kiếm.
Phương án 3: Bỏ ga ngầm C9 hoặc có thể xem xét xây dựng trong tương lai.
Dự án đường sắt đô thị số 2 tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt từ năm 2008, dài 11,5km, tổng mức đầu tư ban đầu 19.555 tỉ đồng. Tuy nhiên sau đó, tổng mức đầu tư dự kiến được điều chỉnh lên 35.679 tỉ đồng, tăng hơn 16.000 tỉ đồng. Như vậy, nếu Thủ tướng phê duyệt theo phương án 1 mà Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất, ngoài hơn 16.000 tỉ đồng đội vốn trong quá trình điều chỉnh vốn, dự án này dự kiến sẽ đội vốn thêm khoảng 500 tỉ đồng.