Thành phố Hà Nội: Chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính |
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về việc nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, phấn đấu chỉ số PCI của Thủ đô nằm trong nhóm các địa phương có thứ hạng cao của cả nước.
Một số chỉ số giảm
Năm 2021, chỉ số PCI của Hà Nội xếp thứ 10/63, giảm 1 bậc so với năm 2020 và 2019, tăng 14 bậc so với năm 2015, tăng 41 bậc so với năm 2012. Như vậy, theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ngày 27/4/2022, Hà Nội tiếp tục nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước năm 2021 về chỉ số PCI. Hà Nội vẫn thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt.
Giải quyết đúng hạn với thủ tục đăng ký mới và thay đổi đăng ký doanh nghiệp |
Năm 2021, Hà Nội có 8/10 chỉ số tăng hạng so với năm 2020. Cụ thể, Chỉ số “Môi trường cạnh tranh bình đẳng” xếp thứ 51, tăng 1 bậc; Chỉ số “tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh, thành phố” xếp thứ 29, tăng 15 bậc; Chỉ số “Đào tạo lao động” xếp thứ 1, tăng 3 bậc; Chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” xếp thứ 44, tăng 17 bậc; Chỉ số “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất” xếp thứ 50, tăng 6 bậc; Chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” xếp thứ 4, tăng 9 bậc; Chỉ số “thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” xếp thứ 48, tăng 6 bậc; Chỉ số “Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước” xếp thứ 5, tăng 22 bậc.
Bên cạnh đó, 2/10 Chỉ số giảm hạng so với năm 2020 gồm: Chỉ số “Chi phí không chính thức, xếp thứ 29, giảm 3 bậc; Chỉ số “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” xếp thứ 57, giảm 23 bậc.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Chỉ số “Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước” có bước cải thiện đáng kể nhất năm 2021 khi tăng 22 bậc, từ xếp thứ 27 lên xếp thứ 5; Chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” tăng 17 bậc, từ xếp thứ 61 lên thứ 44, Chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh, thành phố” tăng 15 bậc, từ xếp thứ 44 lên xếp thứ 29, còn lại các Chỉ số thành phần khác thay đổi không nhiều, vẫn duy trì ở mức cơ bản như năm 2020.
Có một chỉ số quan trọng có bước tụt hạng đáng kể, cần tập trung cải thiện trong năm 2022 đó là Chỉ số “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” giảm 23 bậc từ xếp thứ 34 xuống xếp thứ 57 và 1 chỉ số “Chi phí không chính thức” cũng giảm 3 bậc từ xếp thứ 26 xuống xếp thứ 29.
Triển khai quyết liệt các giải pháp
Để phấn đấu chỉ số PCI của Hà Nội nằm trong nhóm các địa phương có thứ hạng cao so với cả nước, thực hiện tốt Nghị quyết số 02/2021/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 9/11/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, ông Trần Sỹ Thanh – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 14/Ctr-UBND ngày 19/01/2021 của UBND thành phố.
Công nghệ thông tin được Hà Nội ứng dụng trong điều hành giao thông |
Theo đó, tập trung quyết liệt khắc phục đối với các chỉ số giảm hạng đáng kể so với năm 2020. Cụ thể, đối với Chỉ số “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” xếp thứ 57/63 – giảm 23 bậc, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, đầu mối theo dõi và triển khai các giải pháp để cải thiện chỉ số này. Tham mưu UBND thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử. Xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án như: “Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; “Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội”…
Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội giao Văn phòng UBND Thành phố, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc thực hiện công khai, minh bạch thông tin trên website/trang thông tin điện tử của các đơn vị; cập nhật hướng dẫn rõ ràng: quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới, các chính sách ưu đãi đầu tư của thành phố… cho công dân, doanh nghiệp. Các biểu mẫu hướng dẫn phải đúng quy định, đầy đủ, dễ thực hiện và thường xuyên được cập nhật. Tiến tới doanh nghiệp chỉ phải thực hiện những nội dung mà các đơn vị đã công khai.
Đối với các chỉ số tuy đã tăng bậc so với năm 2020 nhưng vẫn còn rơi vào nhóm xếp hạng rất thấp, cần khắc phục như Chỉ số “chi phí gia nhập thị trường” xếp thứ 44/63, tăng 17 bậc, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai các giải pháp để thực hiện và nâng cao chỉ số này. Cụ thể, giữ vững tỷ lệ 100% tổng số hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận thực hiện qua mạng. Đảm bảo thời gian giải quyết đúng hạn và sớm trước quy định đối với cả thủ tục đăng ký mới và thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp.
Tiếp tục duy trì 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; phấn đấu 50% hồ sơ trực tuyến được giải quyết đạt mức độ 4; phấn đấu 50% số thủ tục hành chính có quy định tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết nội bộ nhằm phản hồi tính hợp lệ của hồ sơ đến doanh nghiệp một cách nhanh nhất, giảm thời gian doanh nghiệp hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động. Thực hiện niêm yết công khai các thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện”.
Đối với Chỉ số “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng” (xếp thứ 50/63, tăng 6 bậc) UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện các giải pháp khắc phục kết quả Chỉ số này. Theo đó, chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tổ chức cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân thuận lợi và nhanh chóng; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Tiếp tục rà soát, thực hiện để cơ bản hoàn thành 100% cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn.
UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Nội vụ chủ trì, đầu mối theo dõi và triển khai các giải pháp để cải thiện Chỉ số “Tính năng động của chính quyền tỉnh” và các chỉ tiêu đánh giá về cán bộ công chức trong các chỉ số thành phần của chỉ số PCI. Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh và thực hiện các quy định của nhà nước.
Đảm bảo thực thi nghiêm túc những nội dung được đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 1/11/2018 của Chính phủ. Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh.
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chủ động trong công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc trách nhiệm của mình. Chủ động trong việc xây dựng hình ảnh đơn vị, đóng góp vào hình ảnh của thành phố “Xây dựng chính quyền phục vụ - Lấy người dân và doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ.
UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ngành tập trung khắc phục một chỉ số thành phần có xu hướng giảm hạng (Chỉ số “Chi phí không chính thức (xếp thứ 29/63 - giảm 3 bậc). Duy trì các chỉ số thành phần, chỉ số có xếp hạng tốt như Chỉ số “Đào tạo lao động”; Chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”. |