Thành phố Hà Nội: Gắn kết du lịch với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP |
Nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư, trong những tháng cuối năm 2022, thành phố Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư, tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách.
Kinh tế phục hồi nhanh
Theo UBND TP. Hà Nội, những tháng đầu năm, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn đã mở cửa trở lại, tạo đà cho sự phục hồi, phát triển kinh tế và đảm bảo thu-chi ngân sách. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt trên 177.000 tỷ đồng, đạt 56,9% dự toán, bằng 122,4% so với cùng kỳ năm 2021. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 30.527 tỷ đồng, đạt 28,5% dự toán và bằng 102,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Kinh tế Hà Nội đang trên đà phục hồi |
Kinh tế phục hồi mạnh mẽ thể hiện ở GRDP quý II ước tăng 9,49%, cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ quý II ước đạt 174,44 tỷ đồng, tăng 24,3%; khối lượng hàng hóa vận chuyển quý II tăng 36,2%, doanh thu tăng 46,9%...
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm, Hà Nội có gần 15 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 184,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1%; thực hiện thủ tục giải thể cho gần 1,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 13%; gần 11,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 51%; 6,6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 14%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn thành phố trong quý II/2022 cho thấy, có 39,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh quý II/2022 tốt hơn quý I/2022; 39% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định và 21,3% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Có 41,8% doanh nghiệp dự kiến quý III/2022 sẽ tốt lên so với quý II/2022; 41,8% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định và 16,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, 85,2% doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh quý III/2022 sẽ tốt hơn và giữ ổn định so với quý II/2022; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI lần lượt là 81,8% và 77,8%.
Đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tính đến ngày 30/6/2022, toàn thành phố giải ngân được 10.777 tỷ đồng, đạt 21,1% kế hoạch; cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Sự quyết liệt hành động của UBND thành phố đối với giải ngân đầu tư công đã thể hiện đồng bộ các giải pháp được triển khai. Đặc biệt, thành phố đã liên tục họp, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, 6 tổ công tác đặc biệt cũng vào cuộc tích cực để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công |
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư – Hà Nội, tỷ lệ giải ngân và thực hiện vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm còn thấp. Nguyên nhân do trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều dự án phát sinh hạng mục, chi phí vượt tổng mức đầu tư phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân của dự án. Vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến phê duyệt chỉ giới đường đỏ; phê duyệt, điều chỉnh giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng; phê duyệt chủ trương đầu tư; thẩm định phê duyệt dự án lĩnh vực giao thông…
6 tháng cuối năm 2022, TP. Hà Nội đặt nhiệm vụ thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu.
Theo đó, thành phố phát huy cao nhất hiệu quả 6 Tổ công tác của thành phố về giải ngân vốn đầu tư công; xác định đây là những nhiệm vụ trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Thành phố cũng tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư…
Ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội - lưu ý, cần tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công đảm bảo đạt mức cao nhất; kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không giải ngân được, hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước, các dự án có khả năng giải ngân tốt… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Cũng theo ông Đinh Tiến Dũng, đây là nhiệm vụ cần thực hiện thường xuyên, liên tục, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực. Do vậy, phải tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Cần khẩn trương rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triệt để, thực chất, từng bước khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển. |