4 người chết, hàng chục nghìn tỷ đồng bị mưa lũ cuốn trôi
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới (bão số 5 suy yếu), từ ngày 13/10 – 15/10, thành phố Đà Nẵng có mưa rất to. Lượng mưa tại Suối Đá (trạm Sơn Trà) đo được là 795,6mm. Riêng từ 6h ngày 14/10 đến 03h sáng 15/10 lượng mưa tại quận Sơn Trà lên tới 787 mm, vượt mức lịch sử năm 2018. Các khu vực khác của thành phố lượng mưa để từ 400 – hơn 700mm. Mưa lớn gây ngập diện rộng toàn thành phố, có nơi ngập đến 2m. Khoảng 70.000 nhà dân bị ngập, cuốn trôi người và nhiều tài sản, gây gián đoạn sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Thành phố Đà Nẵng ngập sâu trong nước trong đợt mưa lũ vừa qua |
Theo UBND thành phố Đà Nẵng, tính đến hết ngày 18/10, ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra khoảng hơn 1.486,5 tỷ đồng. Trong đó, nặng nề nhất là quận Liên Chiểu 578 tỷ đồng, huyện Hòa Vang 250 tỷ đồng.
Thống kê, đa số các hộ dân bị ngập nước đều hư hỏng các thiết bị dân dụng; nhiều hàng hóa của tiểu thương bị thiệt hại; nhiều trường học ngập trong bùn. Ước khoảng hơn 2.000 xe ô tô và trên 30.000 xe máy bị ngập nước hỏng máy móc…
Mưa lũ đã cuốn theo nhiều tài sản của nhiều gia đình cả đời gom góp. Ngôi nhà tình nghĩa cấp 4 bị đánh sập hoàn toàn, những vật dụng sinh hoạt tích góp dành dụm mới mua được bị nước cuốn trôi nhưng bà Đỗ Thị Thanh Hoa thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) chỉ biết cười trừ vì may mắn gia đình mọi người đều bình an qua mưa lũ. “Lúc nước lên nhanh quá toàn bộ vật dụng, tài sản đều bị cuốn trôi. Tôi và cháu nhỏ đi sơ tán, 2 con tôi ở nhà thoát chết trong gang tấc nhờ bám trụ vào cột nhà leo lên mái tôn ngồi cả đêm”, bà Hoa chia sẻ.
Không may mắn như vậy, ít nhất 4 người dân thành phố Đà Nẵng đã thiệt mạng do đuối nước, nước cuốn trôi trong đợt mưa lũ vừa qua, để lại những nỗi đau cho người thân, gia đình.
Do đâu?
Nhìn lại trận mưa lũ vừa qua, nhiều tổ chức, chuyên gia cho rằng mưa lớn với lượng mưa vượt mức lịch sử là một trong những nguyên nhân chính khiến Đà Nẵng “thất thủ” hoàn toàn.
Nhà người dân bị đánh sập hoàn toàn do mưa lũ |
Theo Tiến sĩ Lê Hùng (Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng), nguyên nhân lớn nhất của ngập lụt vừa qua đó là lượng mưa quá lớn. Hạ tầng thoát nước của thành phố Đà Nẵng hiện nay đảm bảo khả năng thoát nước khoảng từ 30 – 40 mm/giờ tùy vào từng vị trí. Trong khi, lượng mưa lớn nhất trạm Đà Nẵng đo được trong 1 giờ là 150 mm, mưa trong 2 giờ là 291mm, mưa trong 3 giờ là 407 mm, trong 6 giờ là 568 mm. Mưa dồn dập với lượng mưa gấp 3 – 4 lần năng lực thoát nước, kết hợp với mưa lớn xảy ra lúc triều cường lên cao (1,4m) khiến thành phố Đà Nẵng “chìm trong nước”.
Ngoài nguyên nhân trên, theo ý kiến của một số doanh nghiệp, công tác dự báo lượng mưa còn chậm, chưa theo kịp diễn biến thực tế. Theo ông Hà Ngọc Thống – Giám đốc Công ty TNHH nhà máy giấy bao bì Tân Long (Khu Công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu), công tác dự báo cần kịp thời hơn, chính xác hơn để giảm bớt thiệt hại do thiên tai. “Chúng tôi nghe dự báo lượng mưa lớn hàng trăm mm thì đã tổng lực kê hàng hóa lên cao và hoàn thành xong lúc 17h chiều 14/10. Nhưng mưa quá lớn, vượt xa dự báo. Đến 19h mới có bản tin dự báo lượng mưa lớn bao nhiêu, khi đó nước đã lên, không kịp trở tay. Kết quả là rất nhiều nguyên liệu sản xuất bị hư hại”, ông Thống chia sẻ.
Cùng ý kiến này, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng ngoài yếu tố mưa lớn, thì công tác dự báo lượng mưa chưa theo kịp diễn biến thực tế mưa, lũ, cụ thể thời điểm mưa lớn và định lượng mưa trên địa bàn cũng gây bị động cho chính quyền và nhân dân trong việc ứng phó do không xác định được đầy đủ tình trạng mưa, lũ.
Bản đồ phân chia lưu vực thoát nước hiện trạng khu vực đô thị thành phố Đà Nẵng |
Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng cho rằng tâm lý chung của người dân trong những năm qua quan tâm đến ứng phó với bão và ngập lũ vùng nông thôn hơn so với ngập lụt đô thị diện rộng vì vậy khi bất ngờ mưa lớn đã không được kịp thời.
Ở góc độ quy hoạch, TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners qua nghiên cứu cho rằng ngoài mưa lớn gây ngập, hạ tầng thoát nước không kham nổi lượng nước thì còn có một phần nguyên nhân đến từ việc bê tông hóa đô thị khá cao. “Có một điểm cần lưu ý ở đây đó là không chỉ bê tông hóa khu vực đất bằng trong nội thị mà đang bắt đầu lan lên vùng đồi núi phía Tây. Điều này dẫn đến khi có cơn mưa lớn lượng nước đổ xuống vùng thấp rất nhanh. Không có hạ tầng nào thoát kịp hết”, KTS Ngô Viết Nam Sơn.
Tại buổi làm việc ngày 19/10 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về công tác khắc phục mưa lũ, UBND thành phố Đà Nẵng đề xuất Trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư 3 dự án để ổn định lâu dài trong công tác phòng chống thiên tai, gồm: - Dự án kiên cố hóa đường Hoàng Sa – khu vực bán đảo Sơn Trà: khái toán kinh phí 500 tỷ. - Dự án chống ngập nước khu vực Sân bay: khái toán 500 tỷ đồng - Dự án Đầu tư, gia cố hệ thống kè dọc tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Trường Sa – Võ Nguyên Giáp: khái toán kinh phí 180 tỷ. |