Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, tặng quà người dân TP. Đà Nẵng bị thiệt hại do mưa lũ |
Thành phố Đà Nẵng thiệt hại hơn 1.486 tỷ đồng do mưa lũ
Ngay sau khi đi thăm hỏi người dân bị thiệt hại do mưa lũ và khảo sát thực địa các điểm sạt lở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, chiều 19/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về công tác khắc phục thiệt hại sau bão số 5 và đợt mưa lũ vừa qua.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tập trung hỗ trợ người dân, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở |
Báo cáo tại buổi làm việc, UBND thành phố Đà Nẵng cho biết trong bão số 5 và đợt mưa lũ vừa qua, thành phố đã bị thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng trên toàn thành phố.
Theo đó, từ ngày 13/10 – 15/10 lượng mưa trên địa bàn thành phố đo được là từ 400-795,6 mm xảy ra vào đúng thời điểm triều cường nên đã gây ngập diện rộng trên địa bàn thành phố, 52/56 xã, phường thuộc 07 quận, huyện và hầu hết các tuyến đường đều bị ngập, nhiều tuyến đường, tầng hầm một số trụ sở công trình quan trọng của nhà nước, doanh nghiệp và nhà dân ngập từ 0,5 - 1,0 m, có nơi ngập đến 2,0 m, tổng số nhà bị ngập gần 70.000 nhà.
Mưa bão đã làm chết 4 người; làm sụp và hư hỏng 29 nhà dân; nhiều tài sản có giá trị của người dân như đồ điện tử, điện lạnh, ô tô, xe máy bị ngập, hư hỏng; khoảng 74,22 ha rau màu bị ngập úng; thủy hải sản, gia súc gia cầm thiệt hại nặng nề.
Mưa lũ cũng đã gây 130 sự cố về điện; 14 trường học bị ngập; nhiều tuyến đường bị sạt lở. Tổng thiệt hại sơ bộ ban đầu ước tính là hơn 1.486 tỷ đồng. Trong đó, nặng nhất là quận Liên Chiểu khoảng 578 tỷ đồng.
Ngay sau mưa lũ, thành phố đã khẩn trương khắc phục hậu quả của bão số 5 và mưa lũ gây ra. Tập trung thăm hỏi, hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại. Tính đến 11h ngày 19/10, các cấp, ngành thành phố đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ, động viên cho nhân dân bị thiệt hại với số tiền là gần 2,2 tỷ đồng. Đến nay, về cơ bản, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn thành phố đã trở lại bình thường. Đồng thời thành phố đã chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão số 6 và các đợt thiên tai tiếp theo.
Theo UBND thành phố Đà Nẵng, ngoài hạ tầng thoát nước không đảm bảo cho việc thoát nước với lượng mưa lớn thì hậu quả của đợt mưa lũ vừa qua một phần do công tác dự báo về lượng mưa chưa theo kịp diễn biến thực tế mưa, lũ, cụ thể thời điểm mưa lớn và định lượng mưa trên địa bàn. Công tác ứng phó có phần còn chưa chủ động do không xác định được đầy đủ tình trạng mưa, lũ. Tâm lý chung của người dân trong những năm qua quan tâm đến ứng phó với bão và ngập lũ vùng nông thôn hơn so với ngập lụt đô thị diện rộng.
Thành phố Đà Nẵng kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư 3 dự án về thoát nước, kiên cố hóa hạ tầng để phục vụ công tác ứng phó với những trận mưa lớn.
UBND thành phố Đà Nẵng cho biết đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại 1.486 tỷ đồng |
Không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, đợt mưa lũ vừa qua ảnh hưởng rất lớn đến các địa phương, trong đó có thành phố Đà Nẵng. Sau khi nước rút, mặc dù các địa phương đã vào cuộc khắc phục nhưng vẫn cần sự hỗ trợ từ trung ương.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương khẩn trương tổng hợp danh mục các công trình hạ tầng bị thiệt hại lớn cũng như các thiệt hại cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện lực, bệnh viện để bố trí nguồn lực hỗ trợ trên tinh thần nước rút tới đâu khắc phục ngay tới đó.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, bão số 5 và đợt mưa lớn vừa qua đã gây lũ lớn ở nhiều tỉnh miền Trung, đặc biệt tại thành phố Đà Năng có nhiều nơi lượng mưa lịch sử, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng của địa phương.
Ghi nhận những nỗ lực của chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng như các địa phương miền Trung trong ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời thăm hỏi của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân miền Trung, gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định. Đặc biệt là chia sẻ với thành phố Đà Nẵng, địa phương bị ngập sâu nhất thiệt hại lớn nhất về người và tài sản.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, mặc dù đã có những cố gắng để khôi phục lại đời sống sinh hoạt, làm việc, nhưng hiện thành phố Đà Nẵng vẫn còn bừa bộn sau lũ lụt, cuộc sống người dân còn đang bị xáo trộn. Chủ tịch nước đề nghị chính quyền thành phố phải tập trung hỗ trợ cho người dân. “Không để người dân thiếu đói, thiếu chỗ ở, phải đảm bảo yêu cầu thiết yếu của cuộc sống. Các cấp, ngành phải lo cho người dân trở lại cuộc sống bình thường”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói và yêu cầu thành phố tăng cường 4 tại chỗ, nhất là cấp xã, phường.
Ngoài ra, thành phố phải nhanh chóng khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục. Trong đó, lưu ý đảm bảo sách vở, trang thiết bị học tập cho các cháu; khắc phục các điểm sạt lở đất đá, trong đó có nghĩa trang lớn nhất Đà Nẵng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi người dân thành phố Đà Nẵng bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua |
Hiện nay, với tinh thần tương thân tương ái, nhiều tổ chức cá nhân đang tổ chức cứu trợ, hỗ trợ cho người dân thành phố. Chủ tịch nước đề nghị thành phố tiếp nhận phân phối nguồn lực không để xảy ra tiêu cực.
Đối với việc ngập nước vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thành phố về lâu dài phải nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, trong đó, đầu tư bài bản hệ thống thoát nước; cần kết hợp làm tốt công tác dự báo, thực hiện tốt hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với các tình huống khẩn cấp xảy ra do đặc thù địa phương ven biển, tiềm ẩn nhiều thiên tai.
Đối với các đề nghị của thành phố, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ xem xét giải quyết, chú ý đến những vấn đề ổn định, lâu dài bằng nguồn lực phù hợp để hỗ trợ Đà Nẵng ứng phó với thiên tai hiệu quả, đảm bảo đời sống người dân và phát triển xã hội.
Theo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội đã kịp thời hỗ trợ gần 10 tỉ đồng cho 10 nghìn hộ dân một số tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ hỗ trợ Đà Nẵng 4.000 bộ sách giáo khoa cho học sinh. |