Xử lý chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp: Cần một giải pháp toàn diện Giảm thiểu rác thải nhựa: Cần bệ đỡ từ chính sách |
Thay thế các sản phẩm nhựa dùng 1 lần vẫn còn nhiều thách thức
Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, khối lượng rác thải nhựa phát sinh trên địa bàn tỉnh này khoảng 114.225 tấn/năm (tương đương 312,9 tấn/ngày). Dự kiến khối lượng chất thải nhựa phát sinh đến năm 2025 khoảng 125.648 tấn/năm, đến năm 2030 khoảng 151.000 tấn/năm. Khối rác thải nhựa được thu gom, tái chế khoảng 30.890 tấn/năm (chiếm 27%), xử lý bằng phương pháp đốt 26%, xử lý bằng phương pháp chôn lấp chiếm 65%, còn lại 9% chưa được thu gom, xử lý.
Báo cáo của Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho thấy, công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, như: Nhận thức của nhân dân về tác hại của rác thải nhựa được nâng lên; đã tổ chức được nhiều mô hình thu gom, phân loại giảm thiểu rác thải nhựa; một số chợ, khu thương mại, hộ kinh doanh đã sử dụng túi giấy, ống hút giấy thay cho túi nhựa, ống hút nhựa.
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho thấy, khối lượng rác thải nhựa phát sinh trên địa bàn tỉnh này khoảng 114.225 tấn/năm, tương đương 312,9 tấn/ngày. (Ảnh: TP) |
Bên cạnh đó, hầu hết các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường thị trấn đã thực hiện sử dụng chai thủy tinh, cốc thủy tinh tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện và phòng làm việc thay thế cho các chai nước đóng sẵn.
Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải nhựa còn nhiều tồn tại, hạn chế, như việc phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa mới thực hiện được đối với các loại nhựa thải có giá trị tái chế cao như: vỏ chai nhựa đựng nước khoáng, dầu ăn, các chậu nhựa, xô nhựa hỏng..., các loại nhựa có giá trị tái chế thấp hoặc không tái chế được như túi ni lông, vỏ bánh kẹo, vỏ mì tôm, vỉ thuốc..., với khối lượng khoảng 83.336 tấn/năm, chiếm khoảng 9% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đang để lẫn và xử lý cùng rác thải sinh hoạt, bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt do không có đơn vị thu mua tái chế. Công tác quản lý chất thải nhựa còn mang tính phong trào, chưa đồng bộ; việc sử dụng túi ni lông khi đi mua hàng vẫn còn phổ biến.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết: Qua khảo sát người dân, nhìn chung những người được khảo sát đều ủng hộ việc sử dụng các giải pháp thay thế cho các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, nhưng trên thực tế do sự tiện lợi, giá thành và độ phổ biến thì việc thay thế toàn bộ các sản phẩm nhựa dùng 1 lần vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Để giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn, ngày 31/7/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã ký Văn bản số 11050/UBND-NN về việc “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.
Sở Công Thương Thanh Hóa phát động phong trào chung tay đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa với sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm tiểu thương huyện Nga Sơn. |
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Tài nguyên và Môi trường cần định hướng nội dung hoạt động cho các đơn vị trong chương trình phối hợp bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững, tuyên truyền mạnh mẽ các biện pháp giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu rác thải nhựa. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp,…Triển khai các phong trào, mô hình giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại thu gom chất thải nhựa; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa.
Tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương triển khai các quy định về quản lý chất thải rắn (CTR); tham mưu, triển khai định mức kinh tế - kỹ thuật và ban hành giá dịch vụ công tác thu gom, phân loại, xử lý CTR sau khi các Bộ, ngành ban hành đầy đủ hướng dẫn; phối hợp kêu gọi đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư dự án xử lý CTR theo quy hoạch; thường xuyên đôn đốc chủ đầu tư hoàn thành dự án nhà máy xử lý rác thải, thực hiện thu gom, xử lý riêng rác thải đã phân loại.
Kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, đúng quy định các hành vi vi phạm pháp luật về công tác quản lý rác thải nói chung và quản lý, xử lý rác thải nhựa nói riêng; quản lý các hoạt động phát thải, thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải, chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Công Thương triển khai hướng dẫn, tuyên truyền, xây dựng mô hình kinh doanh nói không với các sản phẩm túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Chỉ đạo các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh và các cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý rác thải nhựa, như không sử dụng đồ nhựa 01 lần (bát đĩa, thìa, cốc, ống mút bằng nhựa) thay thế bằng các đồ dùng thân thiện môi trường; giảm thiểu việc phát túi ni lông miễn phí, yêu cầu người mua sắm trả thêm phí khi có nhu cầu phát túi ni lông đựng đồ, đảm bảo từ sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị.
Đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi nilông, nhựa 1 lần khó phân hủy; cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở tái chế chất thải tham gia vào công tác thu gom, xử lý và tái chế chất thải nhựa phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
“Chống rác thải nhựa” với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, doanh nghiệp. |
Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị, trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường nói chung, về chất thải nhựa nói riêng trong các cơ sở giáo dục; phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu chất thải nhựa; đưa nội dung giảm thiểu sử dụng đồ nhựa 1 lần và phân loại chất thải vào chương trình dạy học; xây dựng mô hình trường học “nói không” với túi nilông và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Đối với chất thải y tế không nguy hại, phải chỉ đạo các cơ sở y tế tiếp tục thực hiện tốt công tác phân loại triệt để chất thải nhựa không nguy hại trong y tế để chuyển giao cho cơ sở tái chế, giảm thiểu chất thải...
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phùng Đình Ảnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết: Phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại, hệ lụy của rác thải nhựa đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; từ đó để người dân thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa, đặc biệt là túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần, chuyển sang dùng những sản phẩm thân thiện với môi trường.
“Tôi tin rằng, với sự nỗ lực của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân, chúng ta sẽ đạt được những thắng lợi nhất định trong công tác đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa. Mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội sẽ là những hạt nhân tích cực và hăng hái, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường”- Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa Phùng Đình Ảnh nhấn mạnh.