Chính sách hấp dẫn
Theo nghị quyết mới ban hành, Thanh Hóa ưu tiên hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (CCN). Mức hỗ trợ 1 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc địa bàn huyện 30a (trừ các CCN có ranh giới tiếp giáp với đường Hồ Chí Minh), riêng CCN thuộc địa bàn huyện Mường Lát hỗ trợ 1,5 tỷ đồng/ha, mức hỗ trợ tối đa không quá 20 tỷ đồng/CCN; hỗ trợ 0,7 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc các huyện miền núi còn lại và CCN của các huyện 30a có ranh giới tiếp giáp với đường Hồ Chí Minh, mức hỗ trợ tối đa không quá 15 tỷ đồng/CCN; hỗ trợ 0,5 tỷ đồng đối với các CCN thuộc các huyện đồng bằng và các huyện ven biển, hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/CCN.
Nghị quyết mới giúp Sở Công Thương Thanh Hóa có thêm cơ chế hỗ trợ cho nghề, làng nghề CN-TTCN |
Tỉnh cũng dành những chính sách hỗ trợ đầu tư dự án sản xuất CN-TTCN và thu hút lao động tại các huyện miền núi. Dự án được hỗ trợ 1 tỷ đồng/ha khi triển khai tại khu vực thuộc các huyện 30a; hỗ trợ 0,7 tỷ đồng/ha đối với các dự án đầu tư thuộc các huyện miền núi còn lại, mức hỗ trợ tối đa không quá 2 tỷ đồng/dự án. Với các dự án hỗ trợ thu hút lao động tại các huyện miền núi, tổng số lao động được hỗ trợ lớn nhất bằng tổng số lao động theo công suất tối đa của dự án và không quá 2 tỷ đồng/dự án. Cụ thể, đối với các dự án đầu tư thuộc các huyện 30a, tùy vào mức sử dụng lao động, kinh phí được hỗ trợ dao động từ 1 – 1,5 triệu đồng/người; đối với các dự án thuộc miền núi khác sử dụng từ 100 – trên 1.000 lao động, mức hỗ trợ từ 0,5 – 1 triệu đồng/người.
Với các nghề, làng nghề TTCN, tổ chức, cá nhân được hỗ trợ một phần kinh phí để du nhập nghề mới tạo thành làng nghề hoặc khôi phục làng nghề được UBND tỉnh công nhận sẽ được hưởng mức hỗ trợ 0,5 tỷ đồng/làng nghề.
Hỗ trợ kịp từ khuyến công
Trên địa bàn tỉnh có khoảng 132 làng nghề với 36 nghề TTCN đang hoạt động, trong đó có 2 nhóm làng nghề hoạt động hiệu quả, gồm: Nhóm làng nghề chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm và nhóm làng nghề sản xuất TTCN. Một số làng nghề có doanh thu cao, như: Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cói ở Nga Sơn; sản xuất miến gạo Thăng Long (Nông Cống); đúc đồng Thiệu Trung (Thiệu Hóa); nghề mộc, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa)…
Nghề và làng nghề CN-TTCN những năm qua có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo ngành công nghiệp nông thôn của tỉnh. Kết quả này có được nhờ sự năng động, linh hoạt của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TTCN đồng thời với đó là sự hỗ trợ kịp thời từ chương trình khuyến công của tỉnh.
Thông qua nguồn lực được huy động từ nhiều nguồn, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh đã hỗ trợ các cơ sở đầu tư mua máy móc, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất; tập huấn nâng cao nhận thức, tay nghề, tác phong công nghiệp cho lao động nông thôn; tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm TTCN. Theo đánh giá từ các doanh nghiệp, cơ sở được hỗ trợ, việc hỗ trợ sản xuất đã giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ sản xuất mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn tỉnh đa phần nhỏ về quy mô, năng lực tài chính mỏng dẫn đến những hạn chế trong đầu tư cho công nghệ sản xuất hiện đại. Do vậy, chất lượng và mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo Nghị quyết ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026, nguồn lực cho triển khai các hoạt động hỗ trợ sẽ từ nguồn ngân sách của tỉnh. |