Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải nguyên nhân vốn giải ngân đầu tư công đạt thấp Quảng Bình: Thành lập 3 tổ công tác giải ngân đầu tư công năm 2023 |
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước là nguồn lực quan trọng cho xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Xác định việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công, UBND tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương tích cực vào cuộc để giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Nhiều huyện đã giải ngân có hiệu quả vốn đầu tư công
Xác định việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công có hiệu quả sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, tỉnh Thanh Hoá luôn điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn. Tính đến ngày 20/3, giá trị giải ngân của tỉnh Thanh Hóa ước đạt trên 1.200 tỷ đồng, bằng 11,6% kế hoạch, nằm trong nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.
Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các địa phương nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. |
Theo số liệu của UBND tỉnh Thanh Hóa cho thấy, năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ quyết định là trên 12.505 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là trên 8.805 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương là gần 3.700 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn vốn được giao, tỉnh Thanh Hoá đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết trên 10.335 tỷ đồng, bằng 82,6% kế hoạch.
Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa cho thấy, hiện trên địa bàn tỉnh này đã có nhiều huyện triển khai có hiệu quả, có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cao, như UBND huyện Thọ Xuân. Cụ thể, luỹ kế thanh toán của huyện Thọ Xuân đã đạt hơn 50 tỷ đồng, bằng 60% kế hoạch. Các dự án đều có tiến độ giải ngân đảm bảo so với hợp đồng thi công và kế hoạch, cam kết tiến độ.
Nghi Sơn là địa phương có nhiều dự án đã và đang được triển khai, để các dự án được triển khai đảm bảo tiến độ và kịp thời giải ngân đúng kế hoạch, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương vận động nhân dân nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng theo các quyết định đã phê duyệt; rà soát các vị trí ưu tiên giải phóng mặt bằng trước thuận tiện cho việc bố trí thi công để triển khai thi công giải ngân xây lắp. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu tăng cường nhiều mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trên toàn bộ phạm vi mặt bằng đã được bàn giao theo đúng kế hoạch; tổ chức nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, là tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao trong cả nước, nhưng trung bình của cả tỉnh vẫn đạt thấp so với cùng kỳ năm 2022. Các dự án chuyển tiếp giải ngân đạt thấp, trong khi đây là nhóm các dự án có khả năng và dư địa để giải ngân nhanh. Tiến độ giải ngân của các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn ODA rất chậm, làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung của cả tỉnh, tạo áp lực giải ngân rất lớn trong thời gian tới.
Cụ thể, hiện tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 23 dự án gặp khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển mục đích sử dụng đất; 9 dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến giá nguyên vật liệu tăng cao; khan hiếm nguồn cung vật liệu đất đắp; điều chỉnh dự án đầu tư; 6 dự án gặp khó khăn, vướng mắc khác. Bên cạnh đó còn có 31 dự án giao vốn từ năm 2022 và 7 dự án giao vốn năm 2023 chưa lựa chọn được nhà thầu xây lắp, dẫn đến chủ đầu tư chỉ mới giải ngân số vốn bố trí cho các chi phí chuẩn bị đầu tư.
Giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công trước ngày 30/11/2023
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Thanh Hóa liên tục kiểm tra và đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung chỉ đạo, kịp tháo gỡ mọi khó khăn cho từng dự án để đảm bảo giải ngân theo kế hoạch. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn vừa ký quyết định thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Tỉnh Thanh Hoá phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn trước ngày 30/11/2023. |
Theo đó, 5 tổ công tác được thành lập do ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và 4 Phó Chủ tịch UBND tỉnh gồm các ông: Nguyễn Văn Thi; Mai Xuân Liêm; Lê Đức Giang; Đầu Thanh Tùng làm Tổ trưởng.
Nhiệm vụ của Tổ công tác là tham mưu giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 do tỉnh quản lý, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn trước ngày 30/11/2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn giao các Tổ chủ động làm việc với từng chủ đầu tư, đơn vị có liên quan để nắm bắt tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của các dự án. Đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án ODA, các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định. Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của các dự án do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao.