Hà Nội: Nhiều quận, huyện đạt mức báo động lũ mức II trong đêm Tỉnh Yên Bái được hỗ trợ khẩn cấp 30 tỷ đồng khắc phục thiệt hại bão số 3 |
Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn vừa ban hành Công văn số 13799/UBND-NN về việc tăng cường triển khai thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động; xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, cấp bách, thường xuyên, liên tục, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cùng tham gia.
Ngày 21/7/2024, tại khu vực huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra một trận động đất mạnh 4,1 độ. Ảnh: Bản đồ tâm chấn trận động đất - nguồn Viện Vật lý địa cầu. |
Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ban, ngành; các địa phương thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách, các hoạt động hỗ trợ, động viên, giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với gia đình bị thiệt hại do thiên tai, động đất, tai nạn lao động, nhất là các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thương, gia đình khó khăn, gia đình chính sách, bảo đảm sớm ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài cho người dân; ưu tiên sử dụng các nguồn vốn, chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để giải quyết ngay các nhiệm vụ, công việc cấp bách liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng pháp luật, không để xảy ra thất thoát, tham nhũng, tiêu cực.
Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các phương án, kế hoạch, chương trình, biện pháp, giải pháp về công tác phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động tại các cấp, các ngành, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức tập huấn, diễn tập, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động để các cấp, các ngành và toàn thể người dân chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, an toàn, vệ sinh lao động; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phòng, chống thiên tai, tai nạn lao động.
Công tác phòng, chống thiên tai tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa trong ngày 20/9/2024. Ảnh: Hoàng Minh. |
Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, thiên tai; tiếp nhận và thông tin đầy đủ, kịp thời về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, thiên tai, động đất để người dân và các cơ quan chức năng triển khai phòng ngừa, ứng phó giảm thiệt hại. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp; có biện pháp hiệu quả ngăn chặn, phòng ngừa tai nạn lao động xảy ra.
Xây dựng phương án chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại
Để công tác phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động triển khai có hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan chỉ đạo các chủ thể quản lý vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện triển khai thực hiện công tác khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo, chế độ địa chấn trong khu vực các hồ chứa theo quy định, nhất là các hồ đang có hiện tượng động đất kích thích để xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm; đánh giá mức độ rủi ro và xây dựng phương án chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Một vụ tai nạn lao động xảy ra đợt tháng 8/2024 tại mở đá của Công ty Cổ phần Phú Thắng ở thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa khiến 1 người chết. Ảnh: Thanh Tâm. |
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động như, tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động, kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân hợp quy cho người lao động, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động…; kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (sản phẩm hàng hóa nhóm 2); điều tra các vụ tai nạn lao động chết người, bị thương nặng từ 2 người trở lên để xác định nguyên nhân và có biện pháp phòng ngừa chống tái diễn; thông báo tình hình tai nạn lao động hàng năm trên địa bàn theo quy định.
Tỉnh Thanh Hóa cũng giao đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết nguy hiểm, thiên tai; dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời đến các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.