Khai mạc Hội chợ hàng tiêu dùng Hà Nội năm 2022 Các sản phẩm OCOP mang đặc trưng địa phương được người tiêu dùng ưa chuộng |
Theo số liệu của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, năm 2022, tỉnh này đã có 174 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao, vượt hơn 60% kế hoạch. Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu sẽ có thêm 120 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp Quốc gia.
Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, để đạt được mục tiêu có thêm 120 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đang nghiên cứu xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách mới về chương trình OCOP.
Nước mắm Tĩnh Gia - sản phẩm đạt chuẩn OCOP. |
Bên cạnh đó, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cũng đang phối hợp với các đơn vị xây dựng hệ thống tư vấn để hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP gồm: Tư vấn hướng dẫn quy trình sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hồ sơ đánh giá, xếp hạng sản phẩm; tư vấn tem nhãn, bao bì sản phẩm. Các địa phương cũng cân đối, bố trí ngân sách đảm bảo để thực hiện tốt các nội dung Chương trình OCOP kết hợp với huy động hiệu quả nguồn lực từ cộng đồng.
Bên cạnh đó, tập trung đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mặt khác, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
Cũng theo Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, ngay trong đầu năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã có thêm 30 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Cụ thể, đợt 1 năm 2023 có 46 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng. Trong đó, có 9 sản phẩm OCOP năm 2019 tham gia đánh giá, xếp hạng lại; 11 sản phẩm được hoàn thiện theo ý kiến của thành viên hội đồng tại hội nghị đợt 3 năm 2022 và 26 sản phẩm mới.
Hàng thủ công mỹ nghệ xã Tân Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn OCOP |
Trên cơ sở kết quả chấm điểm của Tổ giúp việc, các thành viên Hội đồng đã nghiên cứu, đánh giá và chấm và Hội đồng thống nhất thông qua 37/46 sản phẩm. Trong đó, có 7 sản phẩm xếp hạng lại và 30 sản phẩm mới (2 sản phẩm 4 sao và 35 sản phẩm 3 sao).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang, để nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm OCOP, yêu cầu thành viên Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP theo đúng tiêu chí, không có sự châm chước, qua loa. Các thành viên Tổ giúp việc cần nâng cao tinh thần trách nhiệm để hỗ trợ, tư vấn cho các chủ thể hoàn thiện các tiêu chí, hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm thuận tiện nhất. Cùng với đó, các địa phương cần tiếp tục đồng hành cùng chủ thể sản xuất nhằm tạo động lực, lan tỏa ý nghĩa, tinh thần của chương trình OCOP trong cộng đồng.
Có thể nói, với sự nỗ lực của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, sự vào cuộc của các cấp địa phương, sự tích cực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... trên địa bàn đã tạo ra hàng trăm sản phẩm OCOP chất lượng, có mặt trên các thị trường trong nước và quốc tế. Kết quả trên đã góp phần quan trọng tạo ra nhiều việc làm mang lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân.