Công bố tiêu chuẩn mới trong quy định chợ kinh doanh thực phẩm Chợ kinh doanh thực phẩm an toàn: Kinh nghiệm từ Thanh Hóa |
Sáng 7/12, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả xây dựng và duy trì các tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2022. Theo báo cáo của Sở Công Thương Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này hiện nay có 388 chợ có khu vực kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Công Thương.
Năm 2018, 2019, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các chợ kinh doanh thực phẩm theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11856:2017 về chợ kinh doanh thực phẩm. Đây là bộ tiêu chuẩn do Bộ Công Thương xây dựng, đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, bao gồm 19 tiêu chí.
Ông Trần Đức Lương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị |
Sau gần 2 năm triển khai hướng dẫn công tác xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017 với nhiều tiêu chí phức tạp, đặc biệt là các tiêu chí đối với cơ sở vật chất như: nền chợ, mái che, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống cấp thoát nước… trong khi có khoảng 1/3 số chợ trên địa bàn tỉnh có cơ sở vật chất thấp kém, họp theo phiên, diện tích nhỏ, số hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm cố định trong chợ ít. Do đó, nếu đầu tư xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017 sẽ gây lãng phí.
Vì vậy, song song với công tác xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017, Sở Công Thương Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 08/2020/QĐ-UBND ngày 19/3/2020 về việc quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận chợ kinh doanh thực phẩm đối với chợ tạm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hiện tại, toàn tỉnh có 133 chợ được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt nằm trong danh sách chợ tạm tại các Quyết định: số 1186/QĐ-UBND ngày 3/4/2020; số 2980/QĐ-UBND ngày 29/7/2020; số 1825/QĐ-UBND ngày 31/5/2021 và số 819/QĐ-UBND ngày 4/3/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Tại hội nghị, ông Trần Đức Lương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa đã báo cáo đến các đại biểu tham dự hội nghị công tác, quá trình lãnh, chỉ đạo và kết quả xây dựng chợ kinh doanh thực năm 2022. Theo đó, năm 2022, Sở Công Thương được UBND tỉnh giao trực tiếp chỉ đạo xây dựng 1 chợ hạng 1 đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm, UBND các huyện, thị xã, thành phố được giao xây dựng 29 chợ kinh doanh thực phẩm.
Thực hiện mục tiêu đề ra, Sở Công Thương Thanh Hóa đã lựa chọn chợ Chuối của huyện Nông Cống để xây dựng chợ hạng 1. Sở đã hướng dẫn huyện Nông Cống chỉ đạo đơn vị quản lý chợ Chuối hoàn thiện các tiêu chí theo tiêu chuẩn. Hiện tại, chợ Chuối đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí về cơ sở vật chất, phân khu chức năng và đang tiếp tục hoàn hiện một số nội dung về thiết bị, dụng cụ kinh doanh. Đối với nhiệm vụ của UBND các huyện, thị xã, thành phố, thời gian qua, các địa phương đã xây dựng các kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, 11 tháng năm 2022, trên địa bàn tỉnh mới có 14 chợ đạt chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm, đạt 47% kế hoạch năm. Dự kiến đến hết năm 2022 sẽ có 18 chợ đạt tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm.
Đối với công tác duy trì các tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm năm 2022, đa số UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm chỉ đạo chợ đã đạt chợ kinh doanh thực phẩm bảo đảm kết cấu hạ tầng chợ, trang bị dụng cụ bày bán thực phẩm phù hợp theo quy định, thành lập tổ quản lý giám sát an toàn thực phẩm tại chợ và thực hiện các quy định đối với con người.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu một số tồn tại, hạn chế trong quá trình xây dựng và duy trì các tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm, như: Tiến độ chậm so với kế hoạch đề ra. Công tác duy trì các tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm tại một số chợ đã được công bố hợp chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm không bảo đảm, cơ sở vật chất xuống cấp, công tác vệ sinh trong các chợ chưa được chú trọng.
Trên cơ sở làm rõ, phân tích những tồn tại, khó khăn, các đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung thảo luận các giải pháp đẩy mạnh xây dựng và duy trì các tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, các giải pháp, nhóm giải pháp sẽ ngành Công Thương cùng các địa phương thực hiện trong thời gian tới, như: Đẩy mạnh công tác chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi, bám sát công tác thực hiện các chỉ tiêu về chợ kinh doanh thực phẩm.
Để công tác quản lý chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được duy trì các tiêu chí, phục vụ giao thương của nhân dân, Sở Công Thương Thanh Hóa tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tầm quan trọng của việc xây dựng và duy trì các tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến các đơn vị quản lý và đông đảo người dân.
Thời gian tới, Sở Công Thương Thanh Hóa tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch của địa phương và triển khai các hoạt động ra quân xóa bỏ các chợ tự phát, các tụ điểm kinh doanh. Phối hợp với các ngành, chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các chợ.